Sa Pa: Ô nhiễm do người dân sử dụng thuốc trừ sâu thiếu trách nhiệm

15/07/2016 08:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Chục năm trở lại đây, hoa hồng trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập khá cho người dân Sa Pa. Song, việc các nhà vườn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu không theo quy định đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Nhìn những bông hoa hồng đẹp rực rỡ tại các nhà vườn, ít ai biết sự thật ẩn chứa đằng sau. Để có những bông hoa to, đẹp, người trồng phải “ngâm” vườn hồng vào thuốc sâu trong cả quá trình sinh trưởng, phát triển. Muốn hoa đẹp, ít phải chăm, người dân liên tục sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực trồng hoa hồng nhiều nhất ở Sa Pa (tổ 6, thị trấn Sa Pa), mặc dù trời nắng to, nhưng các hộ trồng hoa vẫn phun thuốc mù mịt như sương khói, kèm theo là mùi thuốc sâu nồng nặc, khiến những người đi qua phải bịt mũi, chạy nhanh. Việc nhiều vùng trồng hoa chuyên canh tại Sa Pa sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích để hoa to, đẹp, cành lá xanh tốt, với liều lượng đậm đặc và phun không theo hướng dẫn, dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe không chỉ người trồng hoa, mà cả những hộ dân sinh sống gần đó.

Thông thường, cứ 5 – 7 ngày, người dân lại phun thuốc cho hoa một lần (thời điểm hoa bị sâu bệnh, việc phun thuốc được thực hiện dày hơn). Do đó, thuốc ngấm vào đất và thải ra môi trường xung quanh là tất yếu.

137_ thuoc tru sau

Các nhà vườn sử dụng lượng thuốc trừ sâu quá nhiều đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có rất nhiều chủng loại thuốc phun cho hoa hồng, trong đó đa phần là độc hại. Theo tính toán của các nhà vườn, thuốc trừ sâu chiếm đến 70% chi phí, số tiền mua thuốc trừ sâu cho mỗi sào hoa lên đến chục triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mai Hồng, tổ 6, thị trấn Sa Pa – hộ dân sống gần khu vực trồng nhiều hoa hồng cho biết: “Những ngày trời nắng, các nhà vườn phun thuốc cho hoa, gia đình tôi và các hộ sống gần đây phải đóng kín cửa, che đậy những khe hở để hạn chế thấp nhất mùi thuốc sâu bay vào nhà”.

Không chỉ làm ô nhiễm không khí, khi sử dụng xong, những vỏ thuốc bảo vệ thực vật được người dân vứt xung quanh vườn, một số hộ còn đốt vỏ chai, lọ ngay tại vườn. Mặc dù biết thuốc sâu rất độc hại, nhưng vì lợi ích kinh tế, nhiều người trồng hoa đã bán rẻ sức khỏe để có những bông hoa đẹp và giá trị kinh tế cao. Anh Lê Quốc Chuẩn, người trồng hoa cho biết: “Dù biết thuốc sâu rất độc hại, nhưng vì cuộc sống của gia đình, chúng tôi vẫn phải “đánh” thuốc thật đậm cho hoa, nếu không bao nhiêu công sức, tiền của sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.

137_ vo thuoc

Vỏ thuốc bảo vệ thực vật do người dân vứt bỏ quanh vườn

Điều đáng lo nhất là người trồng hoa ở đây chủ quan trước sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật. Khi tiến hành phun thuốc, nhiều người không cần quan tâm đến hướng gió để tránh thuốc bám vào cơ thể. Còn việc mặc đồ bảo hộ lao động, theo một số người, chỉ làm vướng và chậm tiến độ phun thuốc. Thứ duy nhất bảo vệ họ là chiếc khẩu trang bằng vải bình thường.

Sự thờ ơ với chính sức khoẻ bản thân của người trồng hoa khiến họ cũng xem thường sức khoẻ người khác thông qua thời gian hái hoa. “Nguyên tắc là hoa nở theo lứa, người trồng hoa phải hái, dù mới phun thuốc trừ sâu vào ngày hôm trước” – anh Chuẩn cho hay. Điều này đồng nghĩa với việc, lượng thuốc trừ sâu tồn đọng trên hoa vẫn còn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả người mua hoa.

Môi trường xung quanh các nhà vườn trồng hoa tại Sa Pa đang nằm trong “vòng vây” ô nhiễm. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, quản lý nghiêm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

(Theo báo Lào Cai)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sa Pa: Ô nhiễm do người dân sử dụng thuốc trừ sâu thiếu trách nhiệm