“Săn” chuột đồng…Tết Canh Tý

Tuấn Anh – Ngọc Hằng|22/01/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không biết từ bao giờ, vùng đất xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã tồn tại nghề “săn” chuột đồng, vừa bảo vệ mùa màng, vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Đi “săn” chuột đồng ngày giáp Tết

Từ lâu, chúng tôi đã được nghe kể rất nhiều về vùng đất cổ Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nơi tồn tại nghề “săn” chuột đồng không những mang đến hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp bảo vệ mùa màng cho người dân.

Theo người dân ở đây kể lại, xưa kia xã Canh Nậu chỉ có nghề làm ruộng nhưng hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, mùa mưa đồng ruộng thường xuyên bị ngập úng, chỉ cấy được một vụ lúa. Thời gian rảnh rỗi, người dân thường tổ chức săn bắt cá, sau đó nảy ra ý định săn bắt chuột. Lúc đầu người dân chỉ xem việc săn bắt chuột nhằm mục đích để bảo vệ ruộng đồng của mình, nhưng về sau do nhu cầu của khách hàng, chuột đồng Canh Nậu bắt đầu nổi tiếng, từ đó mang về thu nhập cao cho người dân.

Người dân xã Canh Nậu bắt chuột quanh năm, nhưng chủ yếu là vào mùa mưa, khi các hang chuột đều bị ngập nước, chuột đồng lũ lượt kéo nhau lên các mô đất cao để ở. Lúc này, người dân xã Canh Nậu chỉ việc quây rơm, đốt trụi cả gò đất nổi và sau đó đi lượm chuột thui.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2020, tại các cánh đồng ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội), tuy không phải ngày mùa nhưng lúc nào cũng đông người như lễ hội. Từng nhóm người cùng nhau cười đùa săn bắt chuột đồng để chuẩn bị cho dịp Tết.
Theo chân người dân ở xã Canh Nậu, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người thợ săn. Cả làng hiện có rất nhiều nhóm đi săn bắt chuột, mỗi nhóm 3 – 5 người. Từ sáng sớm những người thợ săn đã tỏa đi khắp các cánh đồng, chiều đến lại về cùng nhau làm thịt chuột.

Ông Nguyễn Quang Thú – Thợ săn chuột đồng 60 năm ở xã Canh Nậu khoe thành quả sau một ngày săn chuột đồng

Ông Nguyễn Quang Thú – Thợ săn chuột đồng gần 50 năm cho biết: “So với người dân trong làng, tôi chắc là người có tuổi đời săn chuột lâu năm nhất ở đây. Từ khi lập gia đình, tôi đã xem việc săn bắt chuột đồng là công việc chính. Mỗi ngày trung bình tôi phải bắt được 10kg chuột đồng. Cũng chính dựa vào nghề này mà đã cho gia đình chúng tôi ổn định được cuộc sống, con cái được ăn học đến nơi đến chốn”.

Nói về đồ nghề để “săn” chuột đồng, ông Thú cho hay: “Rất đơn giản, chỉ cần chiếc cuốc, thuổng, vợt, vài bó rơm khô để hun hoặc không có rơm thì thay bằng xô nước đổ vào hang cho chuột chui ra. Nhưng tôi chủ yếu chỉ dùng bẫy thôi, cái bẫy này là tôi tự thiết kế, tự làm. Sau khi bắt được chuột, sẽ bẻ răng ngay, rồi cho vào những chiếc xiểng đan bằng tre. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải có một chú chó thật tinh khôn. Chó dùng để ‘săn’ chuột phải đánh hơi cực giỏi để thợ săn có thể phát hiện vị trí của chuột”.

Nhìn bàn tay khéo léo của ông Thú đặt từng chiếc bẫy chuột, chúng tôi mới hiểu được tại sao lâu nay gia đình ông vẫn có thể dựa vào nghề này để mưu sinh. Được biết, người thợ săn sẽ đặt bẫy vào buổi chiều, và thu bẫy vào sáng hôm sau.
Ông Nguyễn Đăng Tín – Một thợ săn ở xã Canh Nậu chia sẻ: “Nói đến thịt chuột, nhiều người sẽ có cảm giác ghê sợ, nhưng ở Canh Nậu thì đây lại được coi là đặc sản. Người dân ở đây khi có cỗ thì món thịt chuột là không thể thiếu”.

Đi trên những bờ ruộng, ông Tín vạch từng bụi cỏ tìm hang chuột rồi cuốc đất, đào hang, múc nước ổ vào hang cho chuột sặc nước để chạy ra chui vào rọ… Nhìn những động tác của ông Tín, chúng tôi rất ngạc nhiên trước những động tác thuần thục, dứt khoát của người thợ săn. Sau gần nửa tiếng, ông Tín đã “tóm gọn” được gần 5kg thịt chuột đồng.
Theo ông Tín, bình quân mỗi ngày ông đi bắt được từ 10 – 20 kg chuột sống, tùy vào việc gặp được nơi nhiều chuột hay ít. 10 kg chuột sống sau khi làm thịt, vứt bỏ các bộ phận không sử dụng còn lại được khoảng 6 – 7 kg thịt.

Nói đến đây, ông Tín nhanh nhẹn lôi ra trong rọ một con chuột đất nặng 1 kg để làm minh chứng cho những gì ông nói: “Giống chuột đất thịt của nó bao giờ cũng thơm và ngọt hơn các loại, vì vậy mà giá thành bán bao giờ cũng cao hơn. Giá dao động từ 100.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg”.

Đến khoảng 4h chiều cùng ngày, nhóm người đi “săn” chuột đồng cùng hô nhau về để mang về nhà vặt lông, thui để chuẩn bị mang ra chợ địa phương bán. Với đặc điểm béo, ngon nên chuột đồng Canh Nậu thường được các thương lái trong và ngoài thành đến thu mua.

Đặc sản “mang tên” chuột đồng Canh Nậu

Nhắc đến xã Canh Nậu, người ta thường nói đến đặc sản thịt chuột tại địa phương này. Khác với các địa phương khác, người dân xã Canh Nậu từ lâu đã biết săn chuột đồng để bảo vệ mùa màng và làm thức ăn. Theo người dân xã Canh Nậu cho biết, nghề săn chuột đồng xuất hiện từ 1960.

Mang những xiểng chuột đầy ắp về làng sau chuyến đi “săn” chuột ngày giáp Tết, người dân xã Canh Nậu vô cùng phấn khởi để hướng tới một năm mới đầy niềm vui và hạnh phúc.

Có mặt tại nhà ông Thú những ngày này không khác gì ngày Tết, con cháu, hàng xóm ai cũng háo hức đứng trước cổng chờ người thợ “săn” mang đặc sản về để chuẩn bị đón Tết.
Không làm người thân thất vọng, lần đi “săn” này ông Thú đã mang về những xiểng chuột đầy ăm ắp. Gặp ông Thú, con cháu, hàng xóm ai nấy đều quấn quýt, vui mừng trước thành quả của ông.

Chuột đồng Canh Nậu béo được thui vàng ươm, thơm lừng

Chuột đồng được làm lông, mổ bụng, thui vàng. Sau đó, được vợ ông Thú mang ra chợ bán. Chợ chiều Canh Nậu đông vui với đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá… song không khi nào thiếu vắng một hai mẹt thịt chuột. Người bán ra giá, người mua mặc cả, lựa chọn như mua thực phẩm hằng ngày. Có người nhìn mẹt chuột xếp nằm xấp, đều tăm tắp ví nó như đàn “chiến mã” đang tung vó. Chẳng thế mà, món chuột ở đây còn được gọi là món “ngựa phi trên sàng”.

Ở Canh Nậu, mỗi cân thịt chuột sống bán với giá dao động từ 50.000 đồng – 70.000 đồng. Còn chuột đã cạo sạch lông, thui vàng ươm, thơm lừng thì khoảng 100.000 đồng – 120.000 đồng.

Vừa bán, vợ ông Thú vừa hát câu ca làng truyền tụng: “Quanh năm bận rộn tứ bề/Có về vay nợ cũng gắng mà mua/Chuột đồng mõm ngắn bụng thon/Ướp sả rán giòn hấp với lá chanh”.

Chuột đồng Canh Nậu không chỉ bán ở chợ, mà còn là điểm đến của các nhà hàng đặc sản nổi tiếng. Thịt chuột thường được chế biến thành các món như chuột hấp lá chanh, giả cầy, nấu đông, nấu đậu, rán riềng.

Món thịt chuột hấp được chế biến khá cầu kỳ. Đầu tiên, thịt chuột được luộc chín, vớt ra để ráo, rắc lá chanh thái nhỏ lên trên rồi dùng vật nặng nén khoảng 20 phút cho mỡ và nước chảy ra, mục đích là để miếng thịt rắn chắc và thơm ngon hơn.

Với món rán riềng, thịt chuột được chặt thành từng miếng, ướp với gia vị và riềng giã nhỏ khoảng 15 phút rồi đem rán. Món chuột đồng nấu đậu là món ăn dân dã quen thuộc của người Canh Nậu. Thịt chuột được chặt thành từng miếng vừa phải rồi đem nấu chung với đậu phụ cho đến khi đặc quánh, hòa quyện với nhau. Món này ăn kèm với bún hoặc bánh mỳ.

Ông Nguyễn Trung Chi – Chủ tịch UBND xã Canh Nậu cho biết: “Nghề săn chuột đồng đã có từ rất lâu. Việc này không những giúp người dân bảo vệ mùa màng, mà còn mang lại kinh tế cao. Thịt chuột không những là thức ăn mà còn là món ăn tinh thần của người dân tại xã Canh Nậu”.

Người dân Canh Nậu vẫn tự hào rằng, thịt chuột tại đây luôn mang một đặc trưng riêng so với các địa phương khác. Thịt chuột đồng tại xã Canh Nậu không chỉ được chế biến làm món ăn mà còn là thú vui, diệt được nạn chuột phá hoại mùa màng đồng thời mang lại thêm thu nhập cho nhiều gia đình.

Tuấn Anh – Ngọc Hằng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Săn” chuột đồng…Tết Canh Tý