Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Ưu tiên chỉ đạo, điều hành sáu vấn đề trọng tâm của ngành TN&MT

11/04/2016 01:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

(Moitruong.net.vn) – Ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng ngày 9/4/2016, Tiến sỹ Trần Hồng Hà – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường.

anh ha
Sáng 09/4, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bầu và phê chuẩn đồng chí Trần Hồng Hà giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phóng viên: Xin được chúc mừng ông đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Được biết, Bộ trưởng là một cán bộ được rèn luyện, trưởng thành trong chính ngành Tài nguyên và Môi trường. Bây giờ, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng  giao trọng trách lớn lao hơn; Vậy xin Bộ trưởng cho biết cảm nghĩ của mình khi ông nhận nhiệm vụ mới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi bắt đầu công việc trong ngành từ một chuyên viên tập sự, từng bước trưởng thành đến ngày hôm nay. Vì vậy, tôi hiểu rõ thuận lợi và khó khăn do thực tiễn đặt ra hiện nay đối với ngành Tài nguyên và Môi trường. Theo tôi, không đơn giản khi phải làm người trọng tài cân bằng giữa sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu vì Nhân dân mà làm việc, tôi tin rằng, Nhân dân sẽ giúp đỡ chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Tôi luôn tin vào sự sáng tạo của Nhân dân.

Phóng viên: Bộ trưởng vừa nhắc đến sự tín nhiệm của Nhân dân, vậy theo suy nghĩ của cá nhân ông, Bộ trưởng phải làm những gì để không phụ sự tin tưởng của Nhân dân?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi biết rằng, Nhân dân luôn mong muốn các Bộ trưởng gần dân, hiểu dân, tôn trọng dân và có tác phong hành động mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lời nói đi đôi với hành động để giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng phải là người có kiến thức sâu rộng, tầm nhìn dài hạn, khả năng dự báo, hợp tác quốc tế, luôn năng động, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực mình quản lý. Cá nhân tôi sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng tin của Nhân dân; đồng thời đáp ứng những nhiệm vụ rất nặng nề, lớn lao mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra đối với chức vụ Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên trái) trao đổi công việc với người tiền nhiệm - nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang - vào chiều 9/4. Ảnh: Hoàng Minh
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên trái) trao đổi công việc với người tiền nhiệm – nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang – vào chiều 9/4. Ảnh: Hoàng Minh

Phóng viên: Thời gian gần đây, mọi người thường mệnh danh các Bộ trưởng là “Tư lệnh ngành”, cá nhân Bộ trưởng có suy nghĩ gì về điều này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong thực tiễn Việt Nam, khi hệ thống quản lý Nhà nước còn đang trong quá trình hoàn thiện thì người Bộ trưởng cũng có phần nào giống một vị tư lệnh ở ngoài chiến trường. Nghĩa là người Bộ trưởng cũng phải dành nhiều thời gian cho việc chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc có tính cụ thể, ở từng địa phương, từng vùng, từng miền. Tuy nhiên, khi hệ thống quản lý Nhà nước được hoàn thiện dần, đạt được trình độ quản lý tiên tiến thì phần công việc đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược sẽ chiếm vị trí quan trọng hơn. Lúc đó, Bộ trưởng sẽ là một nhà quản lý có khả năng kỹ trị. Theo cách hiểu như thế, thì vấn đề không phải là thích làm tư lệnh hay thích làm người quản lý có khả năng kỹ trị, mà nó phụ thuộc vào yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với Bộ trưởng.

Phóng viên: Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, theo Bộ trưởng cần phải làm những công việc trọng tâm nào trong giai đoạn 2016 – 2021?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đại hội toàn quốc lần XII của Đảng, cũng như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đặt ra những mục tiêu cụ thể đối với phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và đối với công tác quản lý về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 nói riêng.

Như Bác Hồ đã từng nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; nhiệm vụ của tôi với cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là tiếp tục đổi mới, sáng tạo; phát huy những kết quả, thành tựu của ngành; tích cực cùng các cấp các ngành chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong thực tế; giải quyết tốt, hài hòa 2 vấn đề đó là quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế – xã hội. Tôi cho rằng thước đo hiệu quả của sự chỉ đạo điều hành là sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn, là đóng góp cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, cải thiện môi trường sống.

Về những nhiệm vụ trọng tâm, trong giai đoạn tới toàn ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung như sau:

Một là, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong Chương trình hành động của Bộ để triển khai tổ chức thực hiện. Chú trọng vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu trong đó phải giải quyết hài hòa hai nhiệm vụ là thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ được tài nguyên, môi trường cho phát triển bền vững. Nếu thắt chặt việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội; còn nếu quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà không chú trọng đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường hậu quả sẽ khôn lường, phát triển sẽ thiếu bền vững trong tương lai. Cùng với đó cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và từng địa phương, đáp ứng được các mục tiêu trước mắt và lâu dài, hài hoà về lợi ích giữa các thế hệ hôm nay và mai sau. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia để nắm chắc, quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. Tôi cho rằng cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để cùng với các Bộ, ngành địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đặt ra trong thực tiễn như vấn đề ô nhiễm, khiếu kiện, lãng phí đất đai, vấn đề nguồn nước, khoáng sản… Cần thực hiện tốt cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành các cấp; qua thanh tra, kiểm tra những bất cập về chính sách cần được sửa đổi kịp thời để không còn điểm nghẽn, rào cản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận với các nguồn lực tài nguyên qua đó tạo thêm xung lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bốn là, Bộ TN&MT là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực; các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có tính nhạy cảm, phức tạp, liên quan mật thiết nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác do đó cần có sự phối hợp hiệu quả với các bộ ngành; phát huy được vai trò điều phối, thống nhất quản lý của Bộ và ngành TN&MT trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ địa phương cơ sở. Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; thúc đẩy hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ hiệu quả công tác quản lý.

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tranh thủ được những các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ các hoạt động hợp tác đa phương và song phương nhằm góp phần giải quyết những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong nước; tập trung thực hiện có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn và tham gia, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi mong muốn, nhận được sự phối hợp tích cực từ các cơ quan hữu quan, các Bộ, ngành, tổ chức liên quan; sự quyết tâm từ các địa phương để chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ TN&MT tặng hoa chúc mừng Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sau khi ông được Quốc hội tín nhiệm bầu và phê chuẩn trọng trách người đứng đầu ngành TN&MT. Ảnh: Hoàng Minh
Chiều 9/4, các đồng chí lãnh đạo Bộ TN&MT tặng hoa chúc mừng Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sau khi ông mới được Quốc hội tín nhiệm bầu và phê chuẩn trọng trách người đứng đầu ngành TN&MT. Ảnh: Hoàng Minh

Phóng viên: Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó cũng mang lại những thời cơ và thách thức, xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trong tâm sẽ triển khai để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Thỏa thuận Paris?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thỏa thuận Paris là Thỏa thuận lịch sử thể hiện trách nhiệm nhân loại nhằm cứu Trái Đất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Để triển khai thực hiện các nội dung của Thoả thuận Paris trong giai đoạn tới, chúng ta cần phải tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện Thoả thuận Paris. Trong đó, cần coi chuyển đổi mô hình tăng trưởng các-bon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, tốt hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá, dầu mỏ còn lại không nhiều và không khuyến khích sử dụng.

Đồng thời, cần nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản.

Thứ hai, chủ động rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Thỏa thuận, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.

Trước mắt, cần sớm nghiên cứu những nội dung của Thỏa thuận, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp theo quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; lồng ghép vào quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của các Bộ, ngành và địa phương ngay từ giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn sau năm 2020.

Về lâu dài, cần chủ động luật hóa những quy định mang tính ràng buộc của Thỏa thuận vào chính sách, pháp luật của Việt Nam, tiến tới xây dựng Luật biến đổi khí hậu.

Cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; có lộ trình phù hợp nhằm tiến tới xóa bỏ các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch kể từ sau năm 2020; thực hiện bù giá đối với các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải.

Thứ ba, tăng cường việc tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và công cụ phục vụ việc đánh giá, giám sát; xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo thống nhất về các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc huy động và sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong triển khai thực hiện.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp, thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.

Thứ năm, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm việc phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu để đa dạng hoá nguồn lực để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học, công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu từ các nước phát triển cho các chương trình, dự án ưu tiên trên các vùng, miền của Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, nổi bật là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào việc tận dụng thành công các cơ hội và chuyển hóa được những thách thức do Thoả thuận Paris 2015 mang lại, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Ngay từ bây giờ, Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để trình phê duyệt Thỏa thuận; xây dựng lộ trình thực hiện Thoả thuận, trong đó ưu tiên xây dựng sớm kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với hướng dẫn chung của Liên hợp quốc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chiến lược, chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu như Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu…

Phóng viên: Một vấn đề cấp bách hiện nay là tình hình khô hạn xảy ra rất nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu long, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với lĩnh vực này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong điều kiện lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310-315 tỷ m3/năm), còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ và nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng nhanh (lượng nước tiêu thụ toàn cầu trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 tăng 7 lần); thực tế, tình hình khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên dưới các tác động của biến đổi khí hậu vừa ra cho thấy vấn đề an ninh nguồn nước trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách đối với đất nước.

Nhiệm vụ đặt ra là phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia. Để làm tốt hai nhiệm vụ này trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước nhằm bảo vệ, quản lý chặt chẽ thúc đẩy các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

1. Triển khai tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước. Lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000 cho 50% diện tích toàn quốc, tỷ lệ 1/50.000 cho các vùng khan hiếm nước, thiếu nước và tỷ lệ 1/25.000 cho một số vùng trọng điểm.

2. Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, trên cơ sở đó các rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phân vùng sản xuất hợp lý.

3. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt. Bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, tình hình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông; theo dõi biến động nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên nước.

5. Phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế để đàm phán với các quốc gia liên quan nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chia sẻ, bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia.

Phóng viên: Được biết, Bộ trưởng rất quan tâm tới báo chí, nhân dịp này, Bộ trưởng có chia sẻ gì với các phóng viên, nhà báo theo dõi ngành Tài nguyên và Môi trường?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi xin được gửi lời cám ơn tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương đã quan tâm tới  công việc của chúng tôi trong thời gian qua. Về phần mình, trên cương vị mới – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi sẽ luôn đồng hành cùng với các nhà báo, phóng viên, biên tập viên để phụng sự đất nước và Nhân dân được tốt hơn. Tôi luôn xem truyền thông là một kênh thông tin hai chiều hữu ích giữa người quản lý Nhà nước và Nhân dân.

Phóng viên:  Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo TN&MT

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Ưu tiên chỉ đạo, điều hành sáu vấn đề trọng tâm của ngành TN&MT