Hà Nội): Trạm bê tông Thiên Tân hoạt động hết giấy phép nửa thập kỷ, không thực hiện các quy định về môi trường

Thu Thủy – Thùy Dương|01/06/2022 13:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù, đã hết thời hạn hoạt động 6 năm, nhưng đến nay trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Thiên Tân tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, xả thải trái phép, các xe ra vào tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Thực trạng trên đã diễn ra suốt nhiều năm nay nhưng chưa được chính quyền huyện Sóc Sơn và các sở ngành của thành phố Hà Nội vào cuộc xử lý triệt

VIDEO: Hà Nội: Trạm bê tông Thiên Tân hoạt động không phép, không thực hiện Luật bảo vệ môi trường, vì sao không bị xử lý?

Hồ sơ môi trường đã hết hạn nửa thập kỷ vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử phạt

Thời gian qua, việc cơ quan chức năng cấp phép tạm thời cho các trạm bê tông thương phẩm, Asphalt xây dựng, lắp đặt để phục vụ thi công các dự án trọng điểm đã góp phần  đưa dự án đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đã được đề ra. Theo quy định sau khi hoàn thành dự án, các trạm trộn bê tông này phải hoàn trả mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều trạm trộn bê tông sau khi đã thực hiện xong nhiệm vụ vẫn cố tình chây ì hoạt động suốt thời gian dài, không chịu di dời gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.

Trạm bê tông Thiên Tân tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân đã hết giấy phép hoạt động 6 năm nhưng vẫn ung dung hoạt động

Trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được phản ánh của người dân thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội về trạm bê tông thương phẩm Thiên Tân của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Thiên Tân (công ty Thiên Tân) được cơ quan chức năng cấp phép để phục vụ thi công dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuy nhiên, sau khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã thông xe từ năm 2014, trạm bê tông Thiên Tân vẫn không di dời, ngày đêm hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, kênh mương gây ô nhiễm. Hơn nữa, trạm bê tông Thiên Tân đặt gần lối ra cao tốc, mỗi khi xe ra vào gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.

Bác N.T.P, người dân thôn Thạch Lỗi cho biết: “Trạm bê tông Thiên Tân hoạt động ở đây phải được khoảng 10 năm rồi, nước thải trong quá trình sản xuất  họ có xử lý gì đâu, cứ thế xả thẳng ra mương, bãi vật liệu xây dựng cũng chả có che chắn gì, mỗi khi máy xúc xúc cát, sỏi bụi bay mù mịt”.

Xe ra vào trạm bê tông Thiên Tân không được rửa lốp, kéo đất, cát ra ngoài gây bụi bặm, ô nhiễm

Anh P.V.T sống gần trạm bê tông Thiên Tân cho biết: “Lối ra vào trạm bê tông này rất nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông. Chỗ này là lối ra cao tốc thì đường xá, khu vực xung quanh phải thông thoáng mới đúng, đằng này lại để trạm bê tông đồ sộ án ngữ ngay lối ra. Mỗi khi xe chở bê tông, vật liệu xây dựng từ trong trạm ra vào nếu lái xe từ cao tốc đi ra không chú ý quan sát mà cua nhanh thì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Không hiểu sao cơ quan chức năng lại có thể cấp phép cho trạm bê tông hoạt động gần đường cao tốc như vậy”.

Nhằm làm rõ thông tin phản ánh của người dân và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý những vi phạm của công ty Thiên Tân, PV Moitruong.net.vn đã đặt lịch làm việc với UBND xã Thanh Xuân. Thế nhưng sau hơn 1 tháng trôi qua, nhiều ngày liên hệ với chính quyền xã thì điều mà PV nhận được là sự bất hợp tác, im lặng khó hiểu từ bộ máy lãnh đạo UBND xã Thanh Xuân.

Tiếp tục liên hệ làm việc với UBND huyện Sóc Sơn, PV đã có buổi làm việc với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn. Trao đổi với PV, bà Lê Thị Hải – Phó phòng TNMT huyện Sóc Sơn cho biết: “Trạm bê tông Thiên Tân được xây dựng để phục vụ cao tốc Nội Bài – Lào Cai, theo quy định khi thực hiện xong dự án công ty phải di dời, tuy nhiên đến nay công ty vẫn chưa di dời. Trong quá trình hoạt động trạm bê tông Thiên Tân đã được cấp đề án bảo vệ môi trường đơn giản với công suất 60m3/giờ”.

Bà Lê Thị Hải – Phó phòng TNMT huyện Sóc Sơn làm việc với PV Moitruong.net.vn

Được biết, ngày 23/07/2012, UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản số 02/2012/GXNĐA – UBND  đối với trạm trộn bê tông Thiên Tân công suất 60m3/giờ đặt tại đồng Bảng Tin, thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân do công ty Thiên Tân lập.  Mục đích sử dụng của trạm trộn: Cung cấp bê tông thương phẩm để thi công hầm chui (km00 + 080) gói thầu A1 thuộc dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai trong thời hạn 05 năm (từ 2011 – 2016). Sau thời hạn trên, công ty Thiên Tân hoàn trả mặt bằng, sử dụng đúng mục đích là đất sản xuất nông nghiệp.

Theo quy định, trạm bê tông Thiên Tân chỉ được phép tồn tại đến năm 2016 nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì trạm bê tông này vẫn chưa bị xử lý dứt điểm

Giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường đã nêu rõ về thời hạn công ty Thiên Tân được phép hoạt động, đến nay đã hết thời hạn 6 năm, vấn đề này UBND huyện Sóc Sơn, phòng TNMT đã nắm bắt được nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để khiến dư luận không khỏi có sự hoài nghi về sự “ưu ái” của huyện Sóc Sơn để trạm trộn bê tông ngang nhiên tồn tại hoạt động ô nhiễm môi trường?

Bà Hải tiếp tục cho biết: “Việc trạm bê tông Thiên Tân hoạt động quá thời gian quy định phòng TNMT có nắm bắt được và báo cáo UBND huyện. Thời gian trước năm 2019 phòng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở công ty hoạt động tuân thủ Luật bảo vệ môi trường. Năm 2020, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND xã yêu cầu công ty Thiên Tân hoàn trả mặt bằng, trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, năm 2020 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đợt giãn cách xã hội nên đến nay UBND xã vẫn chưa thực hiện được. Năm nay, khi dịch bệnh đã ổn định, phòng TNMT sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của công ty Thiên Tân đồng thời sẽ xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, giao thông…”.

Nói về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của công ty Thiên Tân, bà Hải cho biết: “Những năm gần đây, công ty Thiên Tân không thực hiện gửi kết quả quan trắc môi trường tới UBND huyện, nước thải bê tông được công ty lắng lọc, sau đó tái sử dụng tuần hoàn”.

Thế nhưng, thực tế, theo ghi nhận của PV, nước thải của trạm bê tông Thiên Tân chỉ được xử lý sơ sài, qua loa rồi xả thẳng ra cống thoát nước trước cổng công ty. Nước thải bê tông do trạm trộn bê tông Thiên Tân xả ra môi trường nhiều ngày nên bùn thải, bã bê tông lắng đọng tạo thành 1 lớp dày dưới lòng cống. Trên mặt nước, từng mảng bê tông kết thành màu trắng xóa chạy dài, không một sinh vật nào có thể sống sót.

Nước thải của trạm bê tông xả ra mương thoát nước trước cửa công ty, từng mảng váng bê tông kết thành màu trắng xóa chạy dài, không một sinh vật nào có thể sống sót.

Với chất lượng nước như vậy mà công ty Thiên Tân tái sử dụng nước để sản xuất bê tông sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng bê tông cung cấp cho khách hàng. Do đó, việc công ty nói tái sử dụng tuần hoàn là không có cơ sở. Hơn nữa, năm 2012 công ty Thiên Tân đã bị công an Tp. Hà Nội xử phạt 14 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 đến dưới 5 lần là một bằng chứng khẳng định việc công ty Thiên Tân có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo ghi nhận của PV, các xe ra vào trạm bê tông cũng không được rửa lốp kéo theo đất cát từ trong trạm ra đường gây bụi bặm, ô nhiễm. Tận mắt chứng kiến, PV thấy vị trí đặt trạm của công ty Thiên Tân như “điểm đen” về an toàn giao thông, rất nguy hiểm bởi xe từ cao tốc đi ra khúc cua, xe bồn bê tông, xe tải của công ty Thiên Tân ra vào chỉ cần mất chú ý một giây thôi là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trạm bê tông Thiên Tân được đặt gần cao tốc Nội Bài – Lào Cai, gần khúc cua của lối ra cao tốc nên tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn

Ngoài ra, tại Giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản, công ty Thiên Tân cũng cam kết chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động (phế thải xây dựng) được thu gom, vận chuyển và xử lý tại khu liên hợp chất thải rắn Nam Sơn. Chất thải nguy hại có khu vực lưu chứa riêng biệt, nền cao, cứng tránh thẩm thấu, có mái che, được phân loại, dán mã số và biển cảnh báo. Chỉ được chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có tư cách pháp nhân thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường cũng yêu cầu công ty Thiên Tân phải lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước và xả nước thải vào lưu vực nguồn nước theo quy định tại quyết định số 35/2010/QĐ – UBND ngày 16/08/2010 của UBND Tp. Hà Nội về việc cấp phép khai thác và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Vậy, trong quá trình hoạt động suốt 10 năm qua, công ty Thiên Tân có thực hiện đúng và đầy đủ theo những gì đã cam kết hay không? Xin được gửi câu hỏi này tới UBND huyện Sóc Sơn và các phòng chuyên môn để kiểm tra, làm rõ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc trạm trộn bê tông Thiên Tân vô tư, ung dung hoạt động không phép suốt 6 năm qua khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của chính quyền xã Thanh Xuân trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các phòng ban chức năng và lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn trong công tác chỉ đạo xử lý triệt để những vi phạm của công ty Thiên Tân cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Được biết, ngày 02/03/2020, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – Đỗ Minh Tuấn đã kí quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 505/QĐ – KPHQ đối với công ty Thiên Tân. Theo đó, công ty Thiên Tân phải thực hiện  khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a, khoản 3, điều 6, Nghị định số 102/2014/NĐ – CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ. Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là: “Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện gồm: Tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng của thửa đất trước khi vi phạm. Thời gian thực hiện 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này”.

Dù Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã kí quyết định yêu cầu công ty Thiên Tân thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: Tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng của thửa đất trước khi vi phạm nhưng đến nay quyết định vẫn chưa được thực thi

Cũng tại quyết định này, UBND huyện Sóc Sơn đã giao cho Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện để giám sát, đôn đốc, tổ chức thực hiện.

Quyết định giấy trắng, mực đen, dấu đỏ rõ ràng, tuy nhiên đã hơn 2 năm trôi qua, trạm bê tông Thiên Tân vẫn tồn tại sừng sững, hoạt động tấp nập bất kể ngày đêm như chưa hề có lệnh tháo dỡ, di dời. Phải chăng trong suốt hơn 2 năm qua UBND xã Thanh Xuân đã “phớt lờ” chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, tạo điều kiện hết mức cho trạm bê tông Thiên Tân hoạt động vi phạm pháp luật?.

Cũng theo Bà Lê Thị Hải – Phó phòng TNMT huyện Sóc Sơn, để xử lý dứt điểm vi phạm phải có lộ trình, phải xây dựng kế hoạch tháo dỡ, chuẩn bị nhân công, các bước theo quy định về cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính, các bước này không thuộc thẩm quyền của Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Một điều bất cập tại quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu do UBND huyện Sóc Sơn ban hành là UBND huyện không ra quyết định xử phạt với lý do: Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo điều 6, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Tuy nhiên, theo điều 6, Luật xử phạt vi phạm hành chính thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.

Trước đó, ngày 24/9/2019 UBND xã Thanh Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai số 61/BB – VPHC  đối với công ty Thiên Tân. Tiếp theo, ngày 9/12/2019 UBND xã Thanh Xuân có văn bản số 281/UBND – VP gửi UBND huyện Sóc Sơn. Ngày 25/2/2020 Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị có báo cáo đề xuất số 52/BC – TTXD gửi UBND huyện về xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Thiên Tân.

Như vậy, tính từ tháng 9/2019 đến ngày UBND huyện Sóc Sơn ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tháng 3/2020) mới chỉ 6 tháng, vẫn trong thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Nhưng UBND huyện Sóc Sơn lại không ban hành quyết định xử phạt đối với công ty Thiên Tân. Liệu lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã làm tròn trách nhiệm, thực hiện đúng Luật?

Trước sự việc trên, kính đề nghị Thành ủy, UBND Tp. Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành và UBND huyện Sóc Sơn nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để những vi phạm của công ty Thiên Tân. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có biểu hiện “bao che” cho vi phạm của công ty Thiên Tân trong suốt thời gian qua.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.

Thu Thủy – Thùy Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội): Trạm bê tông Thiên Tân hoạt động hết giấy phép nửa thập kỷ, không thực hiện các quy định về môi trường