Sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên nước năm 2018

Ban Biên Tập|01/01/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

100% các hồ chứa trong hệ thống được kết nối, cung cấp thông tin

Năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tích cực triển khai, đảm bảo tiến độ các công tác quản lý tài nguyên nước. Đặc biệt, 100% các hồ chứa trong hệ thống được kết nối, cung cấp thông tin. Dưới đây là một số sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên nước trong năm 2018.

>>>Tp.HCM có nguy cơ ngập vào Tết Kỷ Hợi do triều cường

>>>Bình Thuận: Khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ tàu cá gặp nạn trên biển

Đảm bảo tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Theo Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 và Chương trình công tác năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao nhiệm vụ xây dựng 1 Nghị định, 1 Thông tư và 3 Quyết định cùa Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, điều chỉnh bổ sung quy trình liên hồ chứa tại các lưu vực sông.

100% các hồ chứa trong hệ thống được kết nối, cung cấp thông tin

Hiện nay đã có 100% các hồ chứa thủy lợi thủy điện nằm trong hệ thống quy trình vận hành liên hồ chứa được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. Việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất đã được triển khai tích cực, trong đó cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt cho các tổ chức cá nhân đạt khoảng 40%.

Tính đến ngày 31/5/2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ cấp 61 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đố có 2 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 1 giấy phép khai thác nước dưới đất; 3 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 35 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển; và 20 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Diễn ra tuần lễ nước quốc tế Việt Nam lần thứ VI

Trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác về Nước ở Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tuần lễ Nước Quốc tế Việt Nam – VACI là hoạt động thường niên do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Ngày nước Thế giới và Tuần lễ nước Châu Á, thu hút đông đảo các tổ chức, chuyên gia quốc tế gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác, giới thiệu công nghệ, giải pháp mới trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Năm 2018, Tuần lễ nước Quốc tế Việt Nam lần thứ VI – VACI 2018 tiếp tục được tổ chức với chủ đề: “Hợp tác phát triển bền vững Tài nguyên nước” nhằm nhìn nhận những thách thức về tài nguyên nước mà các quốc gia đang phải đối mặt, từ đó đưa ra các sáng kiến hợp tác, các hành động cụ thể để thúc đẩy việc phối hợp quản lý, sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước.

Hoàn thiện quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, tránh những quy định có thể dẫn đến hiện tượng xin-cho khai thác, dễ phát sinh tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó, quy định rõ những việc không được làm, tránh có những quy định có thể dẫn đến hiện tượng xin-cho khai thác, dễ phát sinh tiêu cực, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm quản lý trên địa bàn, Bộ là cơ quan quản lý nhà nước đưa ra tiêu chí quản lý…; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11/2018.

Xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực 03 dòng sông lớn

Đối với công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông nói chung, công tác bảo vệ môi trường 03 lưu vực sông (Nhuệ, Đáy, Châu Giang) nói riêng, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung triển khai 02 nhiệm vụ là Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông, nhất là nguồn nước thải từ đầu nguồn, thượng lưu; và Tăng cường xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các nguồn đầu tư để triển khai các nhiệm vụ, dự án có liên quan đến cải tạo nguồn nước trên lưu vực sông.

Hội Đồng Nước thế giới công bố ấn phẩm “Bắt đầu với Nước – Start With Water”

Hội Đồng Nước thế giới công bố ấn phẩm “Bắt đầu với Nước – Start With Water”nhằm đưa nước vào chương trình nghị sự cấp địa phương để hỗ trợ sự thay đổi trên quy mô toàn cầu.

Ngày nay, có hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thị trấn và thành phố. Thực tế, việc tăng trưởng về nhân khẩu và tốc độ di cư chỉ có thể làm tăng thêm xu hướng này và đến năm 2050, ước tính có khoảng 70% dân số sống ở các khu vực đô thị. Nếu chúng ta không thực hiện đúng các biện pháp, đô thị hóa nhanh chóng sẽ vượt quá các quy hoạch chính thức. Các thành phố và cư dân đô thị sẽ bị ô nhiễm quá mức với các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết và các dịch vụ nước và vệ sinh không đầy đủ. Hậu quả sẽ tàn phá cho sức khỏe cộng đồng, giảm năng suất kinh tế và suy giảm các hệ sinh thái xung quanh.

Các thành phố được thiết kế thân thiện với nước thì sẽ phát triển bền vững và hiệu quả. Vì các thành phố này chủ động ứng phó với kế hoạch rủi ro liên quan đến thời tiết, xử lý và tái chế nước hiệu quả và hạn chế được tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, với nguồn cung cấp nước và vệ sinh môi trường đáng tin cậy sẽ thúc đẩy nền kinh tế đô thị và kích thích phát triển kinh tế xã hội.

Lào Cai yêu cầu Công ty DAP khắc phục nhanh sự cố vỡ bờ đập bãi thải

UBND Lào Cai yêu cầu Công ty Cổ phần DAP số 2 khắc phục triệt để sự cố vỡ bờ đập bãi thải Gyps tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng xảy ra vào ngày 7/9.

Sau khi sự cố xảy ra, Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Cổ phần DAP số 2 đã bị đình chỉ hoạt động. Đến khi nào Công ty này khắc phục triệt để và hoàn thành mọi trách nhiệm với sự cố đã gây ra thì mới được hoạt động trở lại.

40 doanh nghiệp vi phạm Luật Tài nguyên nước

40 doanh nghiệp (DN) trung ương, địa phương thuộc nhiều lĩnh vực như thủy lợi, thủy điện, du lịch, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, kinh doanh nhà ở… đang khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh vừa được Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra về hoạt động này.

Qua đó, Kết luận số 1645 của Bộ nêu rõ: còn khá nhiều đơn vị có hành vi vi phạm Luật Tài nguyên nước phổ biến ở các điều 37, điều 44 luật này.

Cụ thể, 16 DN không thực hiện, triển khai quá ít quan trắc, giám sát lưu lượng khai thác, sử dụng nước dưới đất, chất lượng nước thải sau xử lý, nguồn tiếp nhận nước thải. Tương tự, 7 DN không có giấy phép, giấy đã hết hạn khai thác, sử dụng nước dưới đất; 10 DN chưa thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước dưới đất; 10 DN không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép hết hạn. Qua thanh tra, Bộ Tài nguyên &Môi trường kiến nghị tỉnh rà soát các doanh nghiệp trên, xử lý các đơn vị vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, truy thu thuế trong lĩnh vực này.

Ban Biên Tập


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên nước năm 2018