Sức sống đại ngàn giữa lòng thành thị

Theo Môi trường&Cuộc sống|16/02/2016 01:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Thân Đào xù xì, gai góc, rễ bám sâu vào vách đá trên rừng. Đào đá mang một nét đẹp hoang dại, vững chắc và rắn rỏi, mang sức mạnh trường tồn của thiên nhiên.

Thú chơi đào, mai, quất,… ngày Tết đã xuất hiện từ rất lâu đời sống và trở thành một thứ không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. Người dân miền Bắc đặc biệt thích chơi đào vào ngày Tết. Đào nổi tiếng nhất phải nhắc đến Nhật Tân. Bích đào, đào phai, đào hoa đơn, hoa kép,… đủ cả. Những giống đào trồng ở dưới xuôi thường mang dáng vẻ mảnh khảnh, nhưng lại không hề kém phần kiều diễm. Từ xưa đến nay, những giống đào như thế này luôn được ưa chuộng. Chục năm đổ lại gần đây, người ta còn chuộng một loại đào khác, đó là đào đá.

Đào đá vốn dĩ xuất phát từ giống đào được trồng trên núi. Những vùng núi cao ở Mộc Châu, Sơn La,… ở những ngôi nhà của người người Hmông, Thái, Khơmú thì loại đào này chẳng phải điều gì xa lạ. Đào được trồng ở núi đá nên người vùng cao quen gọi nó là đào “đá”. Khác với cái dáng mảnh mai, yêu kiều của những “nàng” đào ở dưới xuôi, đào đá của núi rừng mang một nét đẹp khỏe khoắn, vững chãi, rắn rỏi mà vẫn mang được nét kiều diễm, sang trọng mà quý phái. Thân đào xù xì, gai góc, rễ bám sâu vào vách đá trên rừng. Cũng bởi sống trong rừng sâu, chịu nghiệt độ khắc nghiệt nên thân đào xù xì, rêu mốc. Nhưng lạ thay, đào càng mốc, rêu bám càng xanh thì lại càng đẹp. Những người “sành” về đào thì bảo, đấy là những cây đào cổ, càng rêu mốc, sống càng lâu và giá trị lại càng cao.

hoa 1

Hoa đào đá rực rỡ khoe sắc

Trồng đào đá mất rất nhiều thời gian. Người trồng phải chờ từ 5 đến 10 năm thì đào mới ra hoa. Có những gốc đào  phải vài chục năm mới ra hoa được. Hoa của đào đá có màu phơn phớt hồng. Cánh đào dày dặn chứ không mỏng manh như đào dưới xuôi. Hoa đào có năm cánh. Nhụy hoa vàng. Có người cũng gọi đây là đào phai. Hoa đào đẹp thì nụ hoa phải to, đều nụ, to nhỏ xen kẽ đều nhau, cánh hoa nở rộng.

Có lẽ đào đá hấp dẫn người chơi đào ở cái thế tự nhiên của đào. Người ta cho rằng, đào trên núi phải có dáng “long giáng, phượng vũ”, ấy là đào đẹp. Phượng vũ là thế cây như chim phượng đang múa, thể hiện sự vui vẻ, yêu đời, mang niềm vui đến cho cuộc sống. Các chẽ cây xòe rộng, như cánh chim phượng. Thế long giáng lại thể hiện sự uy nghiêm, bề thế của gia chủ. Rồng được coi là con vật trong tứ linh, đầy dũng mãnh. Long giáng là thế rồng hạ, mềm mại, uyển chuyển, tự nhiên nhưng cũng không hề kém phần oai phong lẫm liệt.

Vì đào trồng ở núi nên mọc rất tự nhiên, rất ít khi phải tỉa cắt, chăm bón hay uốn thế. “Đào đẹp là đào phải có dáng, lâu năm, thân mốc mọc rêu, cành mập, đốt ngắn, có nhiều lớp nụ to nhỏ khác nhau đan xen đẹp, lộc xanh biếc. Hoa nở bông to, tán rộng, cánh cứng”, một người rất sành về đào đá chia sẻ kinh nghiệm trong việc mua đào. Người chơi đào có thể điều chỉnh được ngày mà đào ra hoa. Nếu muốn đào ra hoa thật nhanh thì tưới nước ấm cho cành. Muốn đào ra chậm, người ta gọi là “hãm” đào, thì phải đốt gốc. Khi đó, đào có thể để chơi qua tết 1 – 2 tháng mới hết hoa.

Muốn mua đào đá thì phải lên vùng cao, cộng thêm với nét đẹp hoang sơ của giống đào này  nên giá cả của đào đá bao giờ cũng cao hơn những loại đào khác. Từ vài trăm tới vài chục triệu đồng cũng có. Nhiều người chơi đào đá quan niệm, nếu chọn được đào càng mốc, lại bám rêu xanh, tán rộng, thế đẹp, cành nhiều nụ, nhiều bông, lộc lá đủ cả, thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, tấn tài tấn lộc, vạn sự như ý.

Đào đá mang một nét đẹp hoang dại, vững chắc và rắn rỏi. Thân đào luôn căng tràn nhựa sống, như sức mạnh của thiên nhiên, sức mạnh đại ngàn. Một cành đào đá từ núi rừng được mang về đặt trong phòng khách gia đình ắt không phải là một ý tưởng quá tồi.

Theo Môi trường&Cuộc sống


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống đại ngàn giữa lòng thành thị