Tác phẩm đạt giải Nhì tập thể Cuộc thi biến đổi khí hậu với Cuộc sống

09/12/2017 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thiệt hại do hạn hán gây ra tại Ninh Thuận lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và dự báo sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới nếu không có hành động cụ thể. Trong đó, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì nước không thể thiếu trong trồng trọt cũng như chăn nuôi gia súc.

(Moitruong.net.vn) – Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa thấp nhất nước ta do có địa hình phức tạp (dạng lòng chảo), nhiều năm gần đây do biến đổi khí hậu làm tình hình hạn hán tại tỉnh càng trở nên gay gắt. Việc hạn chế tình trạng thiên tai là một việc khó và lâu dài, vì vậy Ninh Thuận cần thích nghi với hạn hạn bằng việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.

Theo như thống kê vụ Đông Xuân 2015 – 2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 5.775ha/26.230ha theo kế hoạch (chiếm 22%), thiệt hại 28,875 tỷ đồng, diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới vụ Hè Thu năm 2016 là 9.632ha; ước thiệt hại 48,16 tỷ đồng. Tổng đàn gia súc (trâu, bò, dê, cừu) toàn tỉnh năm 2016 có 273.518 con; khu vực chăn nuôi chủ yếu ở vùng núi, vùng cao, đều nằm trong vùng khô hạn. Số gia súc chết do hạn hán từ đầu năm 2016 đến tháng 7/2016  là 3.220 con, thiệt hại khoảng 4,438 tỷ đồng.

Nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức để chỉ ra nguyên nhân của tình trạng hạn hán tại Ninh Thuận, trong đó, yếu tố tự nhiên đó là do sự tương tác giữa yếu tố địa hình và hoàn lưu khí quyển, dải đồng bằng hẹp, địa hình phức tạp. Yếu tố tự nhiên là yếu tố cố hữu ngàn đời nay không thay đổi, tình trạng hạn hán trầm trọng nhiều năm gần đây chủ yếu do các tác động chung của biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như do hoạt động, sử dụng nguồn nước chưa hợp lý của con người.

Hệ thống thủy lợi là yếu tố được nhắc đến đầu tiên, hiện toàn tỉnh có 20 hồ chứa nước, 61 đập dâng lớn nhỏ và chỉ đáp ứng được khoảng 45% diện tích trồng trọt, nhiều đất bị hoang, sa mạc hóa. Vì vậy việc Ninh Thuận cần sắp xếp lại các hồ chứa nước cũng như đầu tư xây dựng một “hồ mẹ” kết nối với các hồ nhỏ là việc rất cần thiết để điều phối nguồn nước trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, biện pháp trồng cây Neem (xoan châu Phi) và phi lao để chắn cát bay  cũng là một biện pháp hữu hiệu. Hiện nay có khoảng 220.000ha trảng cát đã được trồng cây Neem và phi lao. Cây Neem loại cây có thể hạn chế được tình trạng gia súc ăn cây non khi trồng xuống, giúp phủ xanh nhanh những diện tích đồi trọc, cồn cát ven biển. Không những thế cây xanh còn giúp điều hòa không khí, giảm cái nóng nực ban ngày, và chặn gió biển mang theo hơi mặn có tính chất hút nước vào trong đất liền. Điều quan trọng hiện nay và vẫn còn khá nhiều diện tích trảng cát còn trống, cần vận động người dân tích cực tham gia trồng Neem, phi lao phủ kín.

Ngoài các biện pháp mang tính khắc phục thì cũng cần những hành động thích nghi, con người cần biết sống chung với hạn hán. Ninh Thuận hiện vẫn đang coi lúa nước là cây trồng chủ đạo nhưng lúa lại cần rất nhiều nước, thứ mà Ninh Thuận rất thiếu vì thế nên chuyển đổi cây trồng sang những cây có khả năng chịu hạn, cần ít nước ví dụ như bắp chịu hạn, khoai lang, mía. Nhà nước cần có cơ chế thu mua và hoán đổi gạo cho nông dân, giữa các tỉnh với nhau, hình thành các cơ sở chế biến nông sản tại chỗ để đảm bảo an ninh lương thực.

Đối với chăn nuôi cũng tương tự, cần chọn nuôi những loài động vật chịu hạn tốt, thậm chí chưa từng có tại Việt Nam như lạc đà châu Phi, đà điểu châu Phi, Linh dương Addax, Linh dương Dorcas. Hiện nay, Ninh Thuận đang nuôi hai loài chủ yếu đó là dê và cừu, khả năng chịu hạn của dê thấp hơn và dễ chết, cừu tuy chịu hạn tốt hơn nhưng vẫn chết rất nhiều do thiếu nước, giá trị thương phẩm cũng không cao (do lông cừu không dễ tiêu thụ tại Việt Nam). Tại các vùng hoang mạc hóa, cũng đã triển khai nhiều mô hình, như trồng rừng trôm trên núi đá… kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng ở các huyện Thuận Bắc, Ninh Phước đã mang lại hiệu quả… tuy nhiên chưa đạt như mong muốn.

Bảo vệ rừng đầu nguồn là biện pháp cấp bách của tỉnh, vai trò của rừng đầu nguồn là cực kỳ to lớn nhưng đâu đó vẫn có những vụ chặt rừng mà lực lượng chức năng không hề hay biết. Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước hợp lý, tăng cường trồng cây xanh chịu hạn tại các vùng thiếu nước để điều hòa không khí.

Việc biến nước biển thành nước ngọt có thể là một giải pháp lâu dài, tuy nhiên việc này yêu câu công nghệ và chi phí khá lớn, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này. Nếu có thể thực hiện được dự án này thì với một tỉnh giáp biển như Ninh Thuận sẽ không còn trong tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nữa.

Đề xuất ý tưởng biện pháp chống mất nước để trồng cây khó chịu hạn:

Giải thích mô hình:

  • Cây sẽ được trồng trong các ô màu xanh nước biển,ô trồng được bao bọc bởi lớp chất liệu không thấm nước (Vùng màu vàng). Ô trồng có chứa đất, phân bón, nước. Kích thước ô thay đổi tùy từng loại cây trồng. Để hạn chế bay hơi nước mà vẫn đảm bảo thoáng khí, bề mặt các ô được che phủ bằng vật liệu thoáng khí giữ ẩm như: mùn cưa, rơm dạ, lá cây,.. (Vùng màu đỏ). Như vậy, với ý tưởng này hướng tới:

+ Có thể trồng được các cây trồng ít chịu hạn;

+ Tiết kiệm nước tưới;

+ Tiết kiệm chi phí chăm sóc;

Nếu có thể kết hợp mô hình này với mô hình tưới nước nhỏ giọt và vật liệu polymer giữ nước thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nữa. Mô hình hướng tới có thể áp dụng ở cả vùng hoang mạc, nơi bị bao phủ bởi cát, đặc biệt là tại Ninh Thuận.

 Nhóm tác giả thực hiện: Nhóm Lửa thần Yên Phú

  1. Nguyễn Văn Công 
  2. Trương Trung Hưng

Sinh năm 1992

Sinh viên: Trường Đại học Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm đạt giải Nhì tập thể Cuộc thi biến đổi khí hậu với Cuộc sống