Tài nguyên nước của Nghệ An: Tiềm năng và thách thức

Kế Hùng|22/03/2018 02:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vũng Tàu: Tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước

(Moitruong.net.vn) – Nước là tài nguyên vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống con người và các sinh vật sống. Nghệ An là một trong các tỉnh có nguồn tài nguyên nước phong phú. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nguồn nước đang có sự suy giảm cả chất và lượng. 

>>>Ngày Nước thế giới 2018: Các giải pháp dựa vào tự nhiên giúp quản lý nguồn nước và chất lượng nước

Sông Lam – Nguồn cung cấp nước ngọt dồi dào phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân Nghệ An 

Tài nguyên quý

Nghệ An có trữ lượng nước mặt rất dồi dào. Tổng trữ lượng nước mặt trên 20 tỷ m3, bình quân trên 1ha đất tự nhiên có 13.064m3 nước mặt. Tổng lượng nước mặt vận chuyển qua tỉnh khoảng 28.109m3/năm, trung bình 76.721.328m3/ngày, bao gồm nước sông, suối, hồ, đập, kênh…. Nước mặt được cung cấp chủ yếu từ nước mưa (về mùa mưa) và một phần nước dưới đất. Đây là nguồn nước quan trọng cho sự phát triển của thảm thực vật và cũng chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến vi khí hậu, là một trong những nguồn nước chính cung cấp cho nước sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong tỉnh.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có lượng mưa trung bình lớn so với các tỉnh khác trong khu vực. Lượng mưa hàng năm dao động từ 1.200 – 2.000mm/năm, trung bình khoảng 1.690mm. Mùa mưa thường kéo dài trong 5 tháng (từ tháng IV – X) với lượng mưa chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm, đặc biệt tập trung vào hai tháng 9 và 10 (tính riêng hai tháng này chiếm từ 40 – 60% lượng mưa cả năm). Với lượng mưa trung bình nói trên, ước tính trên địa bàn Nghệ An có lượng nước mưa đạt 276.653 triệu m3/năm, trung bình 75.795.3425m3/ngày. Đây là nguồn nước sinh hoạt lớn có thể khai thác đáp ứng một phần nhu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Chất lượng nước mưa được đánh giá tốt, thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng nước phục vụ sinh hoạt. Khai thác, tận dụng nguồn nước mưa là hết sức có ý nghĩa đối với hoạt động cung cấp nước nhỏ lẻ, hộ gia đình, các vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những tiềm năng sẵn có về tài nguyên nước, công tác khai thác, quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm. Ông Bạch Hưng Cử – Trưởng phòng Nước, Khí tượng thủy văn, Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trong thời gian qua, lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện quản lý thống nhất tại một cơ quan chuyên trách, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cụ thể: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước dần được hoàn thiện; nhiều chương trình, mục tiêu lớn về tài nguyên nước được hoạch định, xây dựng và triển khai thực hiện; cơ cấu tổ chức quản lý ngày được kiện toàn; công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cũng được chú trọng triển khai thực hiện. Công tác quản lý tài nguyên nước đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Mặt khác, trong những năm gần đây, khí hậu diễn biến bất thường, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nhân dân và hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà”.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước

Nguồn nước mặt tại Nghệ An khá phong phú, đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang phải chịu tác động bởi nhiều nguồn thải như chất thải sinh hoạt, khu công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản… Cùng với quá trình công nghiệp hóa, khai thác đất rừng chưa theo quy hoạch, sự biến đổi khí hậu đang làm nghèo dần các nguồn nước, hệ thống thủy văn bị cạn kiệt cũng như xu hướng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng gia tăng.

Chính những nguyên nhân nói trên đang làm cho chất lượng môi trường các hồ nước mặt, các nguồn nước mặt khác đang ngày càng suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của người dân. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện những điểm nguồn nước bị ô nhiễm với các chỉ tiêu SS, COD, BOD5, NH4+ vượt quy chuẩn cho phép.

Bên cạnh đó, môi trường nước dưới đất chưa được thường xuyên quan trắc và đánh giá. Nguồn nước dưới đất tại các khu dân cư tập trung có đang bị nhiễm bẩn do chất thải sinh hoạt ngấm xuống; nguồn nước ngầm tại khu vực ven biển đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn do quá trình khai thác ô ạt.

Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên. Cụ thể, nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu vào nguồn nước dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Đứng trước những thách thức suy giảm chất lượng cũng như số lượng tài nguyên nước, để quản lý, phân bổ nguồn nước đảm bảo hài hòa, hợp lý; bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, suy thoái cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự chung tay của mỗi cá nhân cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hãy sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.

Kế Hùng 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên nước của Nghệ An: Tiềm năng và thách thức