Tân Phú (Cà Mau): Gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới

Quốc Hiệp|20/08/2017 12:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Với mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, lãnh đạo UBND huyện Phú Tân(tỉnh Cà Mau) đã có sự quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện cho các hộ dân, tổ chức phát triển kinh tế. Nhờ chính sách cởi mở, sát với thực tế mà huyện Phú Tân đang áp dụng đã tạo động lực giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, từ đó tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt hiệu quả. 

Tạo nguồn lực để thúc đẩy sản xuất

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, huyện Phú Tân huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn từ các thành phần kinh tế, tín dụng, vốn dân đầu tư cho lĩnh vực sản xuất hơn 284 tỷ đồng, chiếm hơn 20% trong tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM trong huyện. Trong đó, tập trung cho việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, chuyển giao khoa học – công nghệ, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ nông dân sản xuất bằng các hình thức, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất… Từ đó, nhiều mô hình đa cây, con, nuôi trồng thuỷ sản phát huy hiệu quả tích cực. Hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân được nâng lên.

Hệ thống thuỷ lợi khép vùng ở huyện Phú Tân được đầu tư đồng bộ để phục vụ sản xuất.

Năm 2016, các xã trong huyện Phú Tân có mức thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng, cơ bản đều đạt tiêu chí NTM về thu nhập. Kết quả này có được từ việc nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, nhất là nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất đa cây, con, mở rộng các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động, khuyến khích đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ… tạo điều kiện nâng cao thu nhập tổng hợp từ các nguồn cho Nhân dân.Trên địa bàn huyện hiện có hơn 2.200 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, trên 17.500 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và hơn 20.000 ha nuôi tôm quảng canh truyền thống kết hợp đa cây, con. Khâu sản xuất từng bước tiến tới công nghiệp hoá. Toàn huyện có trên 100 ha ao đầm nuôi tôm công nghệ cao, năng suất bình quân hơn 80 tấn/ha. Nuôi tôm là thế mạnh mũi nhọn, làm tăng thu nhập của người dân trong huyện thời gian qua.

Kế hoạch đến cuối năm 2017, huyện Phú Tân phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng trở lên, nhằm giữ vững tiêu chí về thu nhập của xã NTM và tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ vật chất, tinh thần cho người dân.

Đời sống của Nhân dân được nâng cao

Cùng với hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, huyện Phú Tân chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã làm tốt công tác hỗ trợ nông dân sản xuất. Trước mắt là hoàn thiện các hình thức tổ chức sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng cường chuyển giao khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình hiệu quả, nhất là những mô hình mới, cách làm hay.

Hiện tại, huyện đang tiến hành củng cố các tổ hợp tác sản xuất, đồng thời, chuyển đổi 7 hợp tác xã sản xuất hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 ở 5 xã trong huyện. Chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản; dịch vụ cung ứng, mua bán thức ăn thuỷ sản; nuôi tôm công nghiệp; du lịch sinh thái… Theo đó, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Từ đó, từng bước hình thành thói quen, tập quán làm ăn tập thể trong nông dân; gắn kết nông dân theo hình thức mua chung, bán chung nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá cả đầu ra.

Để phát huy tiềm năng sản xuất, huyện tăng cường chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Từ đầu năm đến nay, ngành chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn và đoàn thể tổ chức 36 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất như: nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, nuôi tôm thâm canh năng suất cao, nuôi cua, cá kèo, chăn nuôi gia súc, gia cầm… để người dân mở rộng hướng sản xuất.

Hiện nay, sản xuất đa cây, con, nuôi tôm công nghiệp giãn vụ, nuôi thưa; nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước… là những mô hình hiệu quả đang được nhiều nông dân trong huyện áp dụng hiệu quả.

Từ những giải pháp thiết thực trên, đầu năm 2017 đến nay, huyện Phú Tân tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM gần 20 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm vốn lồng ghép, hỗ trợ từ các chương trình, vốn dân đối ứng và huy động hỗ trợ từ các nguồn khác. Từ cơ sở đó, Phú Tân tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm nâng cao đời sống Nhân dân và xây dựng NTM đạt hiệu quả./.

Quốc Hiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Phú (Cà Mau): Gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới