(Moitruong.net.vn)– Gần 40 ha rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 229, nằm trên địa bàn xã Phú Gia (H.Hương Khê, Hà Tĩnh), gần tuyến biên giới với nước bạn Lào, vừa bị đốn trụi.
Ngày 8.7, từ TT.Hương Khê chạy xe máy gần 1 giờ, vượt qua nhiều đồi núi, dốc hiểm trở, rồi tiếp tục lội bộ qua 3 con suối nước ngập tới ngực, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng. Cả một cánh rừng phòng hộ vùng biên giới, rộng hàng chục ha bị chặt phá tan hoang. Những cây gỗ có đường kính tại gốc bằng cả vòng tay người ôm, nằm ngổn ngang, nhựa chảy đen sì. Thân nhiều cây gỗ lớn bị cưa thành gỗ thành phẩm chuyển đi, phần gỗ bìa, ngọn và cành vứt ngổn ngang trong rừng. Nghiêm trọng hơn, sau khi “trảm” những thân cây lớn, người ta đã dùng lửa “thiêu sống” cả cánh rừng còn lại để lấy đất trồng keo nguyên liệu.
Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Phan Xuân Công, Trưởng Công an H.Hương Khê cho biết, công an huyện đã vào cuộc điều tra vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng này.
pha-rung_RXKO
Nhiều cây gỗ tự nhiên lâu năm tại rừng phòng hộ Phú Gia bị tàn phá
Theo ghi nhận của chúng tôi, cánh rừng còn bị máy móc san ủi trái phép, tạo những bờ hào sâu 1-2 m để phân
lô. Tại nhiều lô rừng tự nhiên đã bị chặt trắng, nhiều cây keo lá tràm vừa được trồng mới. Anh N.V.Q (một người dân địa phương chuyên vào rừng lấy thảo dược) cho biết, cánh rừng phòng hộ trên bắt đầu bị chặt phá từ tháng 3.2016, đến nay rừng cơ bản bị xóa sổ. Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, gia đình các ông Phạm Lê Huân, Phạm Mạnh Tường và Phan Đình Thủy (ngụ tại xã Phú Gia) thuê 9 người dân trong xã và một số người ở các xã lân cận đến chặt phá diện tích rừng này để lấy đất trồng keo.
Do lực lượng mỏng?
Ông Nguyễn Cự Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Hương Khê cho biết, sau khi phát hiện vụ phá rừng, đơn vị này đã cử người vào hiện trường kiểm tra, bước đầu xác định, tổng diện tích rừng, đất rừng tự nhiên tại xã Phú Gia bị chặt phá, phát dọn lên tới gần 40 ha. Diện tích rừng này trước đây thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm (thuộc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh), đến đầu năm 2015 thì chuyển giao cho UBND xã Phú Gia để xã này khoán lại cho 3 gia đình nêu trên quản lý, chăm sóc, khai thác theo Nghị định 135 của Chính phủ. “Về nguyên tắc, các gia đình được giao rừng theo Nghị định 135 chỉ được phép quản lý, chăm sóc, trồng dặm rừng chứ không được tự ý khai thác hoặc thay đổi mục đích sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép”, ông Duẩn nói.
Lý giải về việc là đơn vị trực tiếp tham gia quản lý rừng, nhưng lại chậm phát hiện ra vụ việc, để một diện tích rừng lớn bị chặt phá, ông Duẩn nói rằng, do lực lượng quá “mỏng”, diện tích rừng lớn và sự quản lý của UBND xã Phú Gia lỏng lẻo, phát hiện chậm, báo cáo cũng quá chậm.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, cho rằng để xảy ra vụ việc phá rừng phòng hộ ở xã Phú Gia, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, tiếp đó là chính quyền xã Phú Gia và các cơ quan chức năng liên quan như Hạt kiểm lâm H.Hương Khê, UBND H.Hương Khê, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Huy Lợi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết, Sở này đã báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh về vụ việc. “Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ, sắp tới sẽ xử lý những tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định”, ông Lợi nói.
Theo Thanh Niên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tàn sát gần 40 ha rừng phòng hộ