Tăng cường công tác bảo vệ rừng ngập mặn

(Theo T/c Môi trường và Cuộc sống)|01/08/2016 09:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Rừng ngập mặn có vai trò hết sức to lớn trong đời sống con người và các hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó có hoạt động du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, đang bị đe dọa trước biến đổi khí hậu và sự tàn phá của bàn tay con người. Hơn lúc nào hết, hệ thống cần được tăng cường bảo vệ, phục hồi và phát triển.

IMG_0515

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vai trò của rừng ngập mặn

Tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Đặc biệt trong tương lai, rừng ngập mặn còn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao.

Theo quy luật tự nhiên, thực vật ngập mặn phát triển ở nơi giao nhau giữa sông và biển, nơi thường xuyên có sự biến đổi mực nước, độ mặn cũng như môi trường theo thay đổi của thủy triều. Do đó, động thực vật ở đây đa dạng, phong phú, vừa sống được dưới nước, vừa sống được trên cạn, lại thích nghi với môi trường nước lợ. Nhiều loài cá đều trải qua một phần thời gian sinh trưởng  trong vòng đời của mình ở rừng ngập mặn. Những loài giáp xác như tôm, cua sinh ra ở biển khơi, ấu trùng của chúng được dòng chảy trong đại dương đưa chúng vào rừng ngập mặn, nơi đây chúng sinh trưởng đến lúc sinh sản chúng lại di cư trở lại ở vùng nước sâu để đẻ. Nhiều loài chim đến rừng ngập mặn theo mùa để kiếm ăn hoặc trú ẩn và có thể hình thành các đàn lớn. Mất đi rừng ngập mặn cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn sống của bà con ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ. 

Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường.  Rừng ngập mặn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm cũng sẽ bị nhiễm mặn. Trong khi đó, rừng ngập mặn lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó sẽ tạo nên một vùng đất mới. Nhờ có hệ rễ dày đặc trên mặt đất, cây rừng ngập mặn còn góp phần vào việc giảm tốc độ dòng chảy của thuỷ triều, giảm sự xói lở do sóng biển gây ra. Hạt nảy mầm khi còn ở trên cây, mầm rơi xuống nước và trôi đến chỗ cạn, nếu gặp điều kiện thuận lợi cho hệ rễ phát triển thì nơi đó bắt đầu cho sự hình thành một hòn đảo mới. Nhờ cây con, quả, hạt  có khả năng sống dài ngày trong nước cho nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền. Nước biển dâng đến đâu thì cây mọc đến đó. 

Khôi phục và phát triển

Có thể thấy những lợi ích, hiệu quả mà rừng ngập mặn mang lại. Rừng ngập mặn có thể được xem như “vị cứu tinh” của con người khi mực nước biển dâng cao. Song những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nhiệt độ trái đất đang ấm dần lên, mực nước biển dâng lên ngày càng cao,…vấn đề đặt ra là hiện nay là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn đã bị tàn phá, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng mới vẫn đang là bài toán khó. Vì lợi ích kinh tế, vì kế sinh nhai, rừng vẫn có thể bị chặt phá nếu không được trông coi, giám sát chặt chẽ.

Việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn là vấn đề hết sức cấp thiết và bảo vệ môi trường ven biển bền vững. Tuy nhiên, việc khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn là vô cùng khó khăn, tốn kém. Nhưng với quyết tâm cao, những khó khăn trở ngại từ nhận thức của người dân đến công tác chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, vận động trồng và bảo vệ rừng sẽ được tháo gỡ và dự án sẽ phát huy tác dụng nhiều mặt,  đặc biệt là phòng ngừa thảm họa thiên tai.

(Theo T/c Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác bảo vệ rừng ngập mặn