Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn

Linh Lan (T/h)|10/08/2018 03:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước tình hình bệnh khảm lá đang lây lan nhanh và gây hại nghiêm trọng ở nhiều vùng trồng sắn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh này.

Bệnh khảm lá sắn đang có chiều hướng lan rộng và khó kiểm soát

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 7/2018, diện tích trồng sắn (mì) ở Nam Bộ khoảng 48.132ha. Đã có 4 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai bị nhiễm bệnh khảm lá với diện tích 29.160ha (tăng 28.867ha so với cùng kì năm 2017). Riêng Tây Ninh có 28.586ha bị bệnh (5.581ha nhiễm nặng; diện tích tiêu hủy 143,2ha).

Bệnh khảm lá sắn đang có chiều hướng lan rộng và khó kiểm soát. Bệnh lại chưa có thuốc trị, tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, vì vậy đang gây hại nghiêm trọng nhiều vùng trồng sắn Việt Nam. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Sơ kết trồng trọt vụ hè thu, triển khai và triển khai kế hoạch vụ thu đông, mùa năm 2018 tại Nam Bộ, tổ chức ở Tây Ninh ngày 20/7 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị các giải pháp như: tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu và nội địa, đặt biệt đối với hom giống HL-S11 xử lý theo các quy định hiện hành; các tỉnh có trồng giống HL-S11 cần rà soát thống kê diện tích nhiễm, khuyến cáo nông dân sử dụng thay thế giống HL-S11 bằng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140…

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, bệnh khảm lá đã lan rộng, gây hại trên 90% diện tích trồng sắn ở Tây Ninh và đang lan sang các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk và Bình Phước.

Trước tình hình đó, tại công văn số 5957/CT-BNN-BVTV, ngày 6/8/2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đã phát hiện bệnh khảm lá sắn: thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở các cấp; chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn, theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật mà Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành, trong đó chú trọng chỉ đạo cấm việc vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HL-S11; tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn trắng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển sang cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cát nguồn bệnh.

Linh Lan (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn