Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong ứng phó và giải quyết sự cố môi trường

19/07/2016 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Theo TN&MT)

(Moitruong.net.vn)Đó là đề xuất của ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) sáng ngày 18/7, tại Hà Nội.
_MG_4476
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi.

Bộ đã tập trung giải quyết sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung; đồng thời, tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các điểm nóng môi trường. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; trong đó, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được phân công và đã có trên 45% nhiệm vụ, giải pháp được hoàn thành. Tích cực kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đến nay có 395/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (90%); 167/435 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (38,4%)).

Bộ đã rà soát các quy chuẩn về môi trường; chỉ đạo UBND cấp tỉnh kiểm tra, thống kê để chuẩn bị thanh tra diện rộng các cơ sở có nguồn thải lớn ra sông, ra biển. Kết quả, đã thống kê, rà soát được trên 1.300 cơ sở; đang phối hợp với Thanh tra Bộ để điều chỉnh, bổ sung danh sách các cơ sở nêu trên vào Kế hoạch thanh tra năm 2016 để tiếp tục triển khai trong 6 tháng cuối năm.

Về bảo vệ môi trường ở địa phương, Bộ đã tập trung hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, ưu tiên cấp quận, huyện, phường. Bộ cũng hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai các quy định pháp luật về BVMT và giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai các quy định pháp luật về BVMT.

Về đa dạng sinh học, Bộ đã trình Chính phủ Đề án tăng cường năng lực về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; tổ chức lễ công nhận khu Ramsar Vườn Quốc gia U Minh Thượng tại Kiên Giang; rà soát, xác định khu bảo tồn có tiềm năng xây dựng kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử khu Ramsar và Công viên Di sản ASEAN. Tổ chức tốt Ngày Môi trường thế giới 05/6 với chủ đề bảo vệ động vật hoang dã và Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học lần thứ 26.

Trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật về môi trường. Tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch, Đề án về bảo vệ môi trường, Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Kiện toàn tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, năng lực ứng phó sự cố môi trường; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, đền bù thiệt hại về môi trường. Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí đầu tư bảo vệ môi trường”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả ĐMC, ĐTM, kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; tăng cường quản lý, xử lý chất thải nhất là rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải nguy hại; thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề; các lưu vực sông lớn; xây dựng trung tâm xử lý chất thải nguy hại tại các vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam.

“Với tình trạng môi trường ngày càng nóng, cần có cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong ứng phó và giải quyết hiệu quả sự cố môi trường; tăng cường xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm ở nơi có nguy cơ ô nhiễm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Chi cục Bảo vệ môi trường tại các địa phương…” – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nói.

(Theo TN&MT)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong ứng phó và giải quyết sự cố môi trường