Tăng cường quản lý, giám sát trong khai thác khoáng sản

Theo Monre|05/02/2018 22:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong năm 2017, việc thực hiện Luật Khoáng sản và chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản – Ảnh minh họa 

Siết chặt bằng cơ chế

Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, đồng thời nhằm tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, trong năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Văn bản số 3604/UBND-CNN về việc tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển đất san lấp trái phép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai liên quan đến hoạt động khai thác đất san lấp, các trường hợp lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác đất san lấp trái phép.

UBND tỉnh chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, kiểm soát việc khai thác việc vận chuyển, mua bán đất san lấp trái phép trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên đồng thời tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản đất san lấp; tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện và phản ánh kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản đất san lấp trái phép trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp.

UBND tỉnh cũng giao cho Công an tỉnh thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Chủ trì trong việc điều tra, triệt phá các đường dây, các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản đất san lấp trái phép. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giải tỏa, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản đất san lấp trái phép.

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo UBND các xã có trách nhiệm tổ chức bảo vệ khoáng sản đất san lấp chưa khai thác trên địa bàn; thực hiện các biện pháp để phát hiện, xử lý, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản đất san lấp trái phép từ khi mới xảy ra; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản…

Cần một quy chế cụ thể

Đóng góp ý kiến để công tác quản lý tài nguyên có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ Phòng Tài nguyên huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho rằng UBND tỉnh cần có quy chế về việc quản lý, cấp phép khai thác đất, san lấp khi cải tạo mặt trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cũng như trách thất thu ngân sách nhà nước, cụ thể:

Trường hợp phải đề nghị cấp giấy phép khai thác: Khi tổ chức, cá nhân thực hiện việc cải tạo san ủi mặt bằng, hạ cốt nền, đảm bảo đúng theo độ cao thiết kế đã được duyệt hoặc cá nhân, hộ gia đình đã được UBND huyện cho phép cải tạo mặt bằng trong diện tích đất được giao, trong quá trình thi công làm phát sinh một khối lượng đất san lấp dôi dư thì được khai thác để phục vụ cho thi công các công trình khác của tỉnh. Trong trường hợp này cần tạo điều kiện để chủ đầu tư không phải thăm dò, không cần lập thiết kế cơ sở, không yêu cầu thực hiện thiết kế mở và giám đốc điều hành mỏ, không cần thuê đất để khai thác khoáng sản (sau khai thác đất được sử dụng đúng mục đích ban đầu được cấp – không thay đổi mục đích sử dụng đất) nhưng phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác để tạo điều kiện cũng như cải cách hành chính.

Trường hợp không phải đề nghị cấp phép khai thác nhưng phải đăng ký tại UBND cấp huyện, xã thì: Trường hợp san gạt tại chỗ (lấy vị trí cao bù vị trí thấp) trong diện tích đất được giao cho cá nhân, hộ gia đình mà không vận chuyển đất san lấp ra ngoài, thì phải đăng ký khu vực, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch thi công tại UBND huyện và phải được UBND huyện ra quyết định chấp thuận cho phép cải tạo.

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã được cấp giấy phép xây dựng công trình trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình mà trong quá trình san ủi mặt bằng có phát sinh khối lượng đất san lấp dôi dư có nhu cầu vận chuyển ra ngoài thì phải đăng ký khối lượng, thiết bị, vị trí đổ đất và thời gian thi công tại UBND cấp xã.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý, giám sát trong khai thác khoáng sản