Tây Nguyên: Chú trọng phát huy tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp

Đăng Lâm|18/07/2017 02:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hôm qua (17/7), tại TP Pleiku (Gia Lai), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tô Lâm cùng lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các Bộ, Ngành Trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.

Phát triển vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày thuộc nhóm nông sản xuất khẩu như hồ tiêu

Thông tin trên báo Nông nghiệp, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, tăng cường hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cùng với nền tảng là các vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày thuộc nhóm nông sản xuất khẩu chính của cả nước như cao su, cà phê, hồ tiêu…đặc biệt phải kể đến các mô hình cánh đồng lớn, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu xuất hiện ngày một nhiều đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có gần 2 triệu ha cây trồng, trong đó gần 600.000 ha cà phê, mỗi năm đạt trên 1,3 triệu tấn, 72.000 ha hồ tiêu, sản lượng đạt trên 120.000 tấn, cao su, điều, ca cao cũng được các tỉnh trong vùng phát triển mạnh, tăng thu nhập cho người dân.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt thành tựu đáng ghi nhận, bình quân hàng năm đạt trên 10%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản xấp xỷ 7%/năm. Tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2001.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai rộng khắp. Toàn vùng Tây Nguyên đã có một huyện và 123 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, công tác hỗ trợ sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất đai, việc làm được quan tâm giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiếu số được nâng lên. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư và người dân được thụ hưởng từ những kết quả này.

Đăng Lâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên: Chú trọng phát huy tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp