Tây Ninh: Đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tạo tiền đề phát triển bền vững

M.An (T/h)|04/08/2017 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tỉnh Tây Ninh đã ban hành những chính sách đặc thù như hỗ trợ một phần vốn đầu tư, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2020, với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế địa phương.

Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tạo tiền đề phát triển bền vững tại Tây Ninh

Cụ thể, các dự án trồng một trong các loại cây mãng cầu (na), chuối, dứa, bưởi, xoài (có diện tích trồng tập trung từ 20 ha trở lên); trồng rau, củ quả an toàn (có diện tích từ 10 ha trở lên); sản phẩm phải đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic; bảo đảm về môi trường, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định được hỗ trợ bằng vốn ngân sách 20% chi phí (nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án) để đầu tư hạ tầng và trang thiết bị sản xuất

Các dự án sản xuất rau, củ, quả, thực phẩm công nghệ cao, đảm bảo đầu tư trang thiết bị hiện đại (nhà kính, nhà màng…) sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic; có diện tích trồng tập trung từ 5 ha trở lên được tỉnh hỗ trợ 20% chi phí (nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án) để đầu tư giao thông, điện, lắp đặt hệ thống tưới tự động và trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Các dự án đầu tư sơ chế, bảo quản rau, củ, quả, thực phẩm an toàn, có công suất chế biến 20 tấn sản phẩm trở lên/ngày; thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic sẽ được hỗ trợ 20% chi phí (nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án) để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng, mua sắm thiết bị.

Đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt công suất tối thiểu là 400 con gia súc (lợn, trâu, bò) hoặc 4.000 con gia cầm (gà, vịt) hoặc 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm/ngày đêm. Cơ sở phải bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ 30% chi phí ( mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/dự án) để đầu tư vào cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng, thiết bị và hệ thống xử lý nước thải.

Các dự án kể trên phải sử dụng tối thiểu 30% lao động của địa phương; đồng thời phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì phải có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều thành tựu nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 5,24 – 7,28%/năm; giá trị thu hoạch đạt 87 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản đạt 526 triệu đồng/ha/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt gần 15%…

Tuy nhiên, cơ cấu trong nông nghiệp của tỉnh còn nhiều tồn tại, bất cập như quy mô sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi còn nhỏ bé, manh mún, giá trị thấp; phân bố chưa hợp lý. Quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chưa có cơ hội để phổ biến rộng rãi; năng suất và chất lượng cây trồng chưa cao, sản phẩm không an toàn; đầu ra không ổn định…

Những tồn tại, yếu kém kể trên kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Từ đó, tỉnh đã đưa ra 10 giải pháp để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong thời gian tới, trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh, bền vững vào lĩnh vực này.

M.An (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tạo tiền đề phát triển bền vững