Tết lính công trình nơi đầu sóng

(Theo Môi trường và Cuộc sống)|16/02/2016 06:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Khi hoa Mai, hoa Đào bắt đầu khoe sắc đón xuân về, là lúc người người, nhà nhà lo đón tết, lo sum họp, quây quần bên gia đình. Nhưng cán bộ, chiến sỹ Công binh Hải quân trên đảo Sơn Ca, thuộc huyện đảo Trường Sa vẫn ngày đêm miệt mài với những công trình dân sinh trên đảo. Họ âm thầm hiến dâng sức trẻ, tuổi thanh xuân vì Tổ quốc thân yêu, vì những mùa xuân an lành cho đất nước.

Những ngày cuối năm nắng bỏng rát, biển động dữ dội. Từng cơn gió vun vút mang hơi muối mặn tràn qua đảo khiến cho màu xanh của đảo chuyển sang màu vàng úa. Đó là lúc những người lính Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió háo hức, chờ đón những con tàu mang hơi ấm từ đất mẹ yêu thương. Anh em luôn tâm niệm rằng cứ tàu ra cấp hàng là Xuân về, Tết đến.

5_310113

Chuẩn bị cành mai đón tết.

Tất cả vì tiến độ công trình

Khu vực thi công ngổn ngang những đất đá, sắt thép, xi măng. Những chiến sỹ Công binh trong quân phục dã chiến, bạc phếch đang cần mẫn làm việc. Tiếng máy xúc máy ủi, máy trộn bê tông trong không khí oi nồng tạo lên cảm giác khó chịu. Thiếu tá Hoàng Quang Trung, Chỉ huy trưởng khung Công binh Sơn Ca, cho biết: Ngoài này không khí có độ ẩm, độ mặn rất cao, máy móc rất dễ bị hỏng hóc và nhanh xuống cấp. Hàng ngày, chúng tôi phải bảo quản hai lần, buổi sáng lau sương và kiểm tra tình trạng máy móc; buổi chiều sau khi làm việc phải kiểm tra lại toàn bộ máy móc, dầu mỡ. Một số hệ thống thủy lực, trạm nguồn thì phải dùng bạt để che đậy chống hơi nước và muối mặn.

Khối lượng công việc rất lớn, thời gian thi công gấp rút nhưng các chiến sỹ Công binh luôn tích cực chủ động, khắc phục khó khăn, chạy đua với thời gian  quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lịch làm việc là lịch theo con nước, bất kể thứ 7, chủ nhật hay ngày nghỉ. Trong quá trình thi công các anh đã có nhiều sáng kiến, sáng chế cải tiến kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ. Chỉ vào chiếc máy xúc đang cần mẫn làm việc Thiếu tá Hoàng Quang Trung nói: Gầu múc của máy xúc nhỏ, chỉ xúc được khối lượng bằng khoảng một bao xi măng. Chúng tôi đã nghiên cứu tự trọng và công xuất của máy sau đó hàn, cạp mở rộng gầu xúc để tăng khối lượng lên gần 10 lần và sử dụng vào việc chuyển hàng từ tàu lên ô tô như một chiếc cần cẩu. Sau khi cải tiến, máy hoạt động rất tốt và đẩy nhanh tiến độ thi công các anh ạ.

Tổ trưởng tổ Kỹ thuật, thiếu tá  Nguyễn Xuân Cung đang cùng mấy đồng chí sửa chữa máy móc dưới gốc cây phong ba, anh kể: Chiều qua, chiếc xuồng vận tải bị sóng đánh chìm. Anh em bọn tôi đưa xuồng vào bờ, tháo máy ra để bổ máy ngay tại chỗ. Mấy anh em làm cả đêm, giờ vẫn chưa xong. Anh Trung giải thích thêm: Máy bị ngập nước mặn thì phải bổ máy ngay, phải thau chua, rửa mặn, súc rửa rồi lau sạch từng chi tiết một. Nếu lười, để lại ngày hôm sau thì nước biển mặn sẽ phá hỏng toàn bộ máy.

Khi mọi người nghỉ để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, thì tổ Kỹ thuật bắt tay vào làm công tác bảo quản, bảo dưỡng máy móc và các trang bị kỹ thuật. Trong đợt nghỉ Tết, sau khi bảo quản, bảo dưỡng các chiến sỹ Công binh che đậy và chằng buộc toàn bộ máy móc, trang bị để tránh muối mặn. Sau Tết các anh lại mất cả ngày  kiểm tra, bảo quản và làm công tác chuẩn bị máy móc để hôm sau anh em bắt đầu làm việc được ngay. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng những ánh mắt ngời sáng, những nụ cười tươi rói luôn hiện hữu trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của cán bộ chiến sỹ nơi đây.

Tết lính công trình

Ngày 29 âm lịch, gác lại công tác chuyên môn, anh em mỗi người một việc làm công tác chuẩn bị đón Tết. Cánh thợ xây dậy từ 5 giờ sáng để thịt lợn. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng trò chuyện, cười nói vang cả khu sân giếng kéo mọi người cùng thức giấc. Nhóm thợ máy được giao nhiệm vụ gói bánh chưng trải chiếu ngay trước sân nhà chỉ huy đảo. Các chuyến tàu cấp hàng Tết ra đảo cũng mang theo lá dong từ đất liền, nhưng anh em lính đảo đã quen gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông không những xanh hơn mà nó còn có vị chát ngọt của lá, vị mặn mòi của biển cả, ai đã từng ăn chắc không bao giờ quên. Giơ chiếc bánh chưng vừa gói xong khoe với đồng đội, Binh nhất, Nguyễn Đình Dưỡng, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phấn khởi: “Đây là chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời em tự gói và cũng là lần đầu tiên em đón Tết xa gia đình. Từ khi ra đảo công tác em đã học và làm được rất nhiều việc. Bố mẹ em ở nhà vui lắm vì em ăn Tết ở đảo nhưng vui vẻ và đầy đủ mọi thứ như ở nhà.”

7a_moi_CXEC.jpg

Hội thi gói bánh chưng trong đêm giao lưu văn nghệ chào năm mới 

Phòng đón Xuân của Khung ngập tràn không khí Tết. Trên bàn thờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ được treo ở vị trí trang trọng nhất, mâm ngũ quả, bánh kẹo và câu đối được bày biện khá đẹp mắt. Đôi câu đối tết như gửi gắm tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây: “Xuân về Trường Sa vững niềm tin quyết thắng/ Tết đến Sơn Ca chắc tay súng bình yên”. Cây quất, cây đào, cây mai và những bông hoa rực rỡ các sắc màu làm cho căn phòng trở lên ấm cúng. Nếu không để ý kỹ thì khó có thể biết đây hoàn toàn là đồ “tự chế”. Anh em lựa chọn cây mù u có dáng đẹp sau đó cắt tỉa lá cho giống với lá cây quất. Quả quất thì được làm bằng xốp sau đó nhuộm màu vàng, màu xanh. Cành mai, cành đào được làm bằng cành phi lao, hoa và lá của chúng làm bằng giấy màu trang trí. Mấy anh lính trẻ lựa chọn những con ốc biển đẹp, mài nhẵn nhụi và sơn phủ lên lớp màu để làm thành những bông hoa đủ các màu sắc.

Sau bữa cơm chiều 29 Tết, cả đơn vị tập trung về khán đài dưới chân cột mốc chủ quyền để tổ chức giao lưu văn nghệ, thi gói bánh chưng chào đón năm mới. Sau đêm giao lưu văn nghệ, anh em trở về phòng đón xuân để cùng nhau chuẩn bị đón khoảnh khắc chào năm mới. Mấy chiến sỹ trẻ thì chụp ảnh trước bàn thờ, mâm ngũ quả, để gửi về gia đình những hình ảnh đón giao thừa trên đảo. Khi đồng hồ ti vi trên kênh VTV1 chỉ 12 giờ 00, anh em đồng thanh hô vang: Chúc mừng năm mới và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Mọi người cùng hướng về màn hình ti vi để nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Sau chương trình hái hoa dân chủ đan xen với các tiết mục văn nghệ, cánh lính Công binh Hải quân lại quây quần bên mâm cỗ giao thừa. Giữa trùng khơi mênh mông, giữa tiếng gầm gào của sóng, của gió, mâm cỗ giao thừa vẫn tươm tất với bánh trưng, thịt gà, dưa hành, giò lụa… nhưng vượt lên trên tất cả là tình đồng đội yêu thương. Đêm giao thừa ở đảo Sơn Ca, mọi người thường không ngủ. Sau khi tổ chức tập thể, anh em đến chùa để thắp hương và cầu mong một năm mới an lành, có sức khỏe dồi dào và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những cảm xúc khi tết đến, xuân về

Sau lễ chào cờ đầu năm, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục tỏa ra thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, kéo co… Tiếng hò reo, cười đùa, cổ vũ rộn vang khắp đảo. Chỉ huy trưởng Khung, Hoàng Quang Trung cho biết: anh em ở đây rất tích cực rèn luyện, chính vì vậy luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe đã trở thành nhu cầu thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ.

Có lẽ, những ai đã từng đón Tết Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ của nó. Trong thời khắc giao thừa, thời khắc giao hòa của trời đất, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, tự trong sâu trong sâu thẳm trái tim  của những người lính trào dâng niềm tự hào xúc động. Tự hào được học tập, công tác, xây dựng trên quần đảo Trường Sa, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin, tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về Trường Sa với tất cả niềm yêu thương vô bờ bến. Binh nhất Nguyễn Giai Nhân quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 2 năm 2014 tâm sự: đây là mùa xuân đầu tiên em xa gia đình. Em cũng nhớ nhà nhớ bạn bè, nhưng đón xuân cùng đồng đội trên đảo em thấy mình rất tự hào và vững vàng hơn nhiều anh ạ. Em tự hào vì mình được góp sức xây dựng Trường Sa, em viết thư về nhà rồi, gia đình em chắc cũng rất hãnh diện vì điều đó.

Trung úy, Kỹ sư Phạm Xuân Định, trợ lý thi công, quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vốn điềm đạm, sống nội tâm. Định vừa lập gia đình được một tuần, vợ chồng chưa kịp bén hơi thì anh nhận nhiệm vụ đi Sơn Ca. Định trải lòng: Khi yêu nhau vợ em cũng “nhõng nhẽo” lắm, nhưng yêu rồi hiểu và thông cảm cho lính Công binh nên bây giờ “thủ trưởng” bản lĩnh hơn trước nhiều. Thằng cu nhà em được một tuổi rồi, dù chưa một lần gặp bố nhưng cũng bập bẹ gọi bố, gọi bà qua điện thoại được rồi. Bố mẹ em lên chức ông bà nội vui lắm, ông bà cứ động viên em yên tâm công tác và đón tết với anh em.

Một mùa Xuân mới đang về, Sơn Ca vui đón tết. Dù khó khăn, vất vả song những người lính Hải quân vẫn luôn lạc quan, yêu đời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bám biển, bám đảo, xây dựng những công trình dân sinh góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(Theo Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết lính công trình nơi đầu sóng