Tết Việt xưa và nay luôn giàu ý nghĩa với những phong tục tập quán lâu đời

Quỳnh Dao|03/02/2019 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một không gian Tết Việt được tái hiện qua những thứ giản dị và gần gũi với mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối Tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong, hoặc phong tục dựng cây nêu, thầy đồ cho chữ, nặn con giống ngày Xuân… Dù là Tết xưa hay Tết nay thì người dân Việt Nam vẫn duy trì những nét phong tục bình dị ấy.

>>> Bangkok: Hơn 400 trường học đóng cửa do ô nhiễm không khí nghiêm trọng

>>> Thái Lan chống ô nhiễm phun nước lên trời

Tết xưa ấm cúng

Tết xưa trong hoài niệm

Cố nhà văn Sơn Nam từng viết: “Bàn thờ là thể diện của chủ nhà ngày Tết. Tết mà nhà không thắp nhang, không trang hoàng trên bàn thờ thì chẳng còn gì là Tết”. Mâm ngũ quả hay những chiếc bánh dâng cúng tổ tiên ngày Xuân thể hiện tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và cũng không đơn thuần là món ăn mà còn là cái gì đó rất thiêng liêng kết nối quá khứ và hiện tại.

Ở miền Bắc, chiếc bánh chưng không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết, thì ở miền Nam – đặc biệt là người dân ĐBSCL, bánh tét là loại bánh không thể thiếu. Người Nam Bộ dù khó khăn vất vả đến mấy, cuối năm vẫn gói 5 – 7 đòn bánh tét cúng giao thừa và dâng lên ông bà tổ tiên.

Tết Nguyên đán đang có sự vận động theo từng thời kỳ. Tết xưa trong ký ức của thế hệ 4x, 5x là Tết nghèo, nhưng đầm ấm tình thân. Đào, quất Nhật Tân dù trong chiến tranh vẫn luôn khoe sắc mỗi dịp đến Tết. Tết cổ truyền xưa dù không sung túc, khang trang như ngày nay, nhưng trong mỗi gia đình đều không thể thiếu bánh chưng, giò,.. Có khi cả năm chỉ có ngày Tết mới được một bữa cơm no, cho nên dù nghèo khó, trẻ con, người lớn đều háo hức chờ đợi”.

Người xưa mong Tết không chỉ là để được nghỉ ngơi mà quan trọng, quanh năm vất vả, bận rộn ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị cho việc ăn Tết rất được chú trọng.

Đầu tiên là nuôi lợn. Giống lợn quê cho ăn cám nấu cây chuối, dọc khoai hay bèo tấm, sức lớn mỗi tháng chỉ 4-6 kg, nên để đạt trọng lượng 50-60kg thịt cho ngày Tết, phải nuôi từ đầu năm.

Việc gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đậu xanh… để sẵn. Thậm chí lá dong, lạt buộc… cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm.

Đến rằm tháng Chạp thì mọi nhà bắt đầu làm dưa hành. Hành củ to tròn, mua về ngâm nước tro bếp 5 ngày, rồi bóc vỏ, cắt rễ, trộn muối; 2 ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7-8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền xưa:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Quanh năm bữa ăn toàn là rau dưa, cà kiệu… Tết đến mổ con lợn ra mới có điều kiện bày vẽ, trước cúng, sau ăn. Cái thủ thường dùng gói giò gọi là giò thủ, đôi thăn giã nhuyễn gói giò lụa, cũng có nhà gói cả giò mỡ. Chả rán thì dùng thịt nạc giã nhuyễn nặn như chiếc đĩa, chả nướng thì thái miếng ướp hành nước mắm, ướp cả riềng mẻ nữa, vót tre làm xiên mỗi xiên 7-8 miếng.

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng cắm một cây nêu ở giữa sân. Dùng cây tre nhỏ hay cây nứa còn bánh tẻ để nguyên ngọn cong vút như cần câu, buộc lá cờ đuôi nheo xanh đỏ hoặc túm lá dứa dại làm tín hiệu chào đón “ông bà ông vải” về ăn Tết, và để ngăn trừ ma quỷ.

Khâu chuẩn bị cuối cùng là món tiền lẻ để phát vốn cho trẻ con. Trước tiên là sáng mùng Một phát vốn cho con cháu trong nhà, sau đó bất cứ đứa trẻ nào đến chơi cũng được phát vốn. Trường hợp có bổn phận phải đến chúc Tết các bậc vai vế bề trên, thì cũng cần mang theo tiền lẻ để phát vốn cho trẻ nhỏ.

Tết nay đổi mới nhưng vẫn giữ nét truyền thống

Tết nay vẫn rất đẹp

Cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt lợn, gà… thì nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.

Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cú click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay.

Từ bao đời này, trong tâm thức của người Việt, Tết luôn hiện lên với hình ảnh gia đình sum họp, quây quần bên nhau trong mâm cơm ngày Tết. Đó là những ngày mà tâm hồn ai cũng cảm thấy nao nao, rạo rực trước thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ngày nay cuộc sống phát triển hơn, bởi vậy Tết nay cũng đã khác Tết xưa đi rất nhiều.

Dù có nhiều đổi thay, nhưng trong tiềm thức của mỗi người, Tết vẫn có ý nghĩa rất đặc biệt. Cũng bởi vậy, nhiều gia đình vẫn giữ trọn được những nét truyền thống vốn có của ngày Tết. Tết nay mọi người vẫn tất bật, nhộn nhịp dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa, những người đi làm ăn xa vẫn luôn mong muốn được về nhà sum họp để cảm nhận không khí ấm áp những ngày Tết đến Xuân về.

Thiết nghĩ, Tết khác hay con người ta đổi khác, cũng chỉ là cách nhìn. Nhiều gia đình không có thói quen gói bánh chưng, xã hội thay đổi, không khỏi kéo theo những tập tục xưa cũ cũng phải đổi thay cho phù hợp. Chỉ mong rằng mỗi chúng ta, trong những ngày Tết, chúng ta đừng mãi lăn tăn về những chuyện xưa cũ, hãy dành thời gian tìm thấy một góc nhỏ an nhiên cho chính mình để ăn Tết, để cảm Tết, để thấy Tết xưa hay Tết nay, mỗi mùa một vẻ nhưng vẫn luôn đẹp và ấm áp tình người.

Người Việt vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng truyền thống như: tảo mộ, dọn dẹp trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, xin lộc, mừng tuổi (lì xì)…

Dù Tết xưa và Tết nay có những điều khác biệt, nhưng chắc chắn rằng mùa Xuân vẫn luôn là mùa đẹp nhất trong năm, những ngày Tết vẫn luôn là những ngày thiêng liêng nhất của đất trời. Tâm hồn con người cũng vậy…ai đi xa cũng mong muốn được sum vầy, đoàn tụ bên những người thân yêu. Tất cả đều rạo rực, hồi hộp, tin yêu chào đón vào một năm mới với mọi điều may mắn, tốt lành.

Quỳnh Dao


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Việt xưa và nay luôn giàu ý nghĩa với những phong tục tập quán lâu đời