Thái Bình: Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Đền Đồng Bằng

H.Thu (t/h)|09/10/2017 08:52
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nghi thức rước chân nhang vào đền tại Lễ hội đền Đồng Bằng

(Moitruong.net.vn) – Lễ hội đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

den DB

Ngày 9/10, UBND xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã tổ chức Lễ hội truyền thống năm 2017 và đón nhận quyết định ghi danh Lễ hội đền Đồng Bằng vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 16/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Di tích lịch sử văn hóa Đền Đồng Bằng thường được gọi là đền Đức Vua cha Bát Hải, hay đền Đức Vua tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm, thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Lễ hội đền Đồng Bằng là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và gắn liền với tâm thức của người dân trong vùng “tháng Tám giỗ cha”, vừa là Giỗ đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vừa là Giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hàng năm, du khách thường trảy hội đền Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương ngày 20/8 rồi xuôi dòng đổ về trảy hội đền Đồng Bằng từ ngày 20 – 26 tháng Tám (âm lịch).

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đề nghị tỉnh Thái Bình quan tâm chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể lễ hội đền Đồng Bằng: quản lý thực hành tín ngưỡng và nghi thức phục vụ tín ngưỡng tại đền, không để người dân sở tại và du khách lợi dụng tín ngưỡng hoạt động mê tín dị đoan; quản lý chặt chẽ các hoạt động thực hành tín ngưỡng…

Lễ hội đền Đồng Bằng có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân nơi đây. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc thù và mang tính tổng hợp cao, pha trộn và đan xen nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa, từ tục thờ thủy thần đến thờ Cha, thờ Mẹ, thờ Anh hùng dân tộc và Anh hùng văn hóa.

Trong một diễn biến có liên quan, sáng 9/10, UBND thành phố Vinh cũng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 717 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và cắt băng khánh thành đền thờ Trần Hưng Đạo. Nhân dịp này, đại diện UBND thành phố Vinh cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao đã cắt băng khánh thành Đền thờ Trần Hưng Đạo tại phường Đội Cung – thành phố Vinh.

H.Thu (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Đền Đồng Bằng