Thái Nguyên chủ động phòng trừ sâu bệnh hại chè

04/03/2018 08:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chè là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên. Với hơn 21.000ha chè hiện có (trong đó chè giống mới chiếm trên 14.000ha, còn lại là chè trung du), năng suất bình quân đạt 112,6 tạ/ha/năm, mỗi năm Thái Nguyên thu được từ 90 đến 100 triệu đồng/ha chè kinh doanh. Tuy nhiên, để cây chè phát triển tốt, hằng năm cho năng suất cao, chất lượng tốt thì việc phòng, trừ sâu bệnh cho chè đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, để đạt hiệu quả cao, Thái Nguyên chủ động phòng trừ sâu bệnh hại chè.

Nông dân xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây chè

Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án phát triển chè tỉnh nhận định: Năm 2017 được đánh giá là năm có thời tiết thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, các loại sâu bệnh hại không phát sinh nhiều. Do đó, cây chè phát triển tốt, sản lượng chè đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 224 nghìn tấn. Tuy nhiên, bước vào vụ xuân năm nay, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao, thường duy trì trên 90% nên đã tạo thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại như rầy xanh, bọ xít muỗi… và đặc biệt là bệnh phồng lá phát sinh, gây hại cho cây chè.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tại rầy xanh và bọ xít muỗi chỉ xuất hiện lác đác trên cây chè nhưng bệnh phồng lá xuất hiện với mật độ khá dày ở những diện tích chè trung du đã được đốn từ tháng 11, tháng 12 năm ngoái hoặc ở những vườn chè trung du chưa được dọn dẹp, phát quang. Trong đó, những địa phương có diện tích chè xuất hiện bệnh phồng lá với mật độ khá cao là Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ… Ông Nguyễn Tá, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chè xuân là lứa quan trọng nhất trong năm vì đây là lứa chè đầu tiên, tạo ra năng suất và tầng tán. Đây cũng là thời điểm bệnh phồng lá chè có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết âm u, ẩm độ cao. Loại bệnh này thường phát sinh ở các lá non, lá bánh tẻ… Bệnh khiến cho lá chè không có diệp lục để quang hợp dẫn đến thiếu dinh dưỡng cung cấp cho lá non, búp non nên ảnh hưởng đến năng suất không chỉ lứa này mà cả lứa chè sau. Do đó, nếu không được kiểm soát, bệnh phát sinh thành dịch lớn thì nguy cơ giảm năng suất, chất lượng chè rất cao.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2014 là thời điểm người làm chè Thái Nguyên chịu thiệt hại, bị thất thu khá lớn do bệnh phồng lá gây ra. Bà Phạm Thị Lương, xóm Hòa Bình, xã Quân Chu (Đại Từ) cho hay: Vụ xuân năm 2014, do mưa phùn, ẩm ướt kéo dài, 5 sào chè của gia đình tôi đã bị bệnh phồng lá khiến cho năng suất giảm mạnh. Năm đó, gia đình tôi chỉ thu được 6 lứa chè, giảm 2 lứa so với mọi năm. Năng suất chè bình quân cũng giảm từ 15kg/sào xuống còn 10kg/sào. Điều đáng sợ nhất là gia đình đã phải đầu tư rất nhiều chi phí mua vật tư phân bón, công chăm sóc để phục hồi toàn bộ diện tích chè đã bị nhiễm bệnh.

Cùng với các điều kiện thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu thì kiểm soát tốt các loại sâu, bệnh hại chính là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và sản lượng cây chè. Do đó, để các loại sâu bệnh hại chè, nhất là bệnh phồng lá không phát sinh thành dịch, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã khuyến cáo bà con tích cực kiểm tra, theo dõi nương chè và phun phòng trừ các loại sâu bệnh hại kịp thời.

Đối với bệnh phồng lá, cán bộ khuyến nông nên chủ động hướng dẫn người dân tăng cường kiểm tra, phân loại các nương chè để phát hiện sớm những diện tích nhiễm bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người trồng chè vệ sinh nương chè, làm sạch cỏ dại, tỉa bớt cành cây che bóng, tạo độ thông thoáng trong nương chè; tránh bón quá nhiều đạm, bón phân đạm đơn độc, bón phân cân đối N.P.K; tăng cường bón thêm phân kali để tăng sức chống chịu bệnh cho cây chè. Khi các nương chè, vườn ươm giống chè xuất hiện bệnh phồng lá, bà con phải ngừng bón phân hóa học, xử lý bằng một trong các loại thuốc hóa học như Manage 5 WP, Starsuper 20WWP, Diboxylin 4SL…, phun 2 lần, cách nhau 7 đến 10 ngày, phun khi trời khô ráo. Đặc biệt, những nương chè bị bệnh nặng cần áp dụng biện pháp đốn đau hoặc đốn phớt. Sau đốn phải thu dọn sạch cành, lá chè đem đốt hoặc chôn sâu để tiêu diệt nguồn bệnh…

Ngoài các biện pháp trên, trong quá trình phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh hại cho chè, bà con lưu ý pha thuốc đúng nồng độ, liều lượng ghi trên bao bì, nhãn mác và tuân thủ đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Về phía Chi cục, nên khuyến cáo người trồng chè chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng khi thực sự cần thiết. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè và sức khỏe con người, môi trường, gây lãng phí, tốn kém…

Theo báo Thái Nguyên


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên chủ động phòng trừ sâu bệnh hại chè