Thái Nguyên: Người dân Khe Cạn-Đồng Hỷ mòn mỏi mong nước

Thu Trang (th)|11/10/2017 06:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin đăng trên báo Thái Nguyên, nhiều năm qua, công trình nước tự chảy ở xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã bị hư hỏng và không còn sử dụng được. Không có nước sinh hoạt, bà con đành phải sử dụng nguồn nước suối, nước mạch chưa qua xử lý, ước mong về nguồn nước sạch ở đây đang là điều mong mỏi lớn nhất của người dân.

Thái Nguyên người dân Khe Cạn-Đồng Hỷ  mòn mỏi mong nước (ảnh báo Thái Nguyên)

Được biết, xóm Khe Cạn có 40 hộ, với 188 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Trong xóm có đến 80% số hộ thuộc diện nghèo. Năm 1992, Khe Cạn được đầu tư xây dựng công trình nước tự chảy với hệ thống đường ống bắt đầu từ thượng nguồn khe suối mang dòng nước sạch về tận các hộ trong xóm. Nhờ có dòng nước sạch tự chảy, cuộc sống của bà con Khe Cạn đỡ vất vả hơn.

Ông Hoàng Văn Mùi người dân địa phương nhớ lại: Ngày đó, nước chảy suốt ngày đêm, bà con vui lắm vì không phải dùng ống bương đi gánh nước mỗi ngày. Có nước sạch, lại được Nhà nước đầu tư bồn trữ nước, cuộc sống của bà con trong xóm đỡ vất vả hơn, con trâu, con bò cũng có nước sạch uống, người dân Khe Cạn bắt đầu trồng nhiều chè, nhiều lúa.

Tuy nhiên, theo thời gian, công trình này đã bị xuống cấp, nhiều chỗ hỏng hóc. Để có nước sinh hoạt, bà con trong xóm đã nhiều lần góp tiền tự sửa chữa, nhưng vài năm gần đây, công trình hỏng hóc quá nhiều, không thể khắc phục nên đành bỏ hoang. Không còn nguồn nước tự chảy, đồng bào trong xóm Khe Cạn phải đào giếng khoan, hoặc tự kéo vòi dẫn nước, nhà ai không có điều kiện kinh tế thì tự đi gánh nước hoặc đào một rạch nước nhỏ để sử dụng.

Theo sự chỉ dẫn của anh Hoàng Văn Sỉnh, Bí thư Chi bộ xóm Khe Cạn, chúng tôi đi ngược dòng suối ở xóm Khe Cạn để lên công trình nước tự chảy. Tại đầu nguồn con suối, công trình nước tự chảy gần như đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, bể lắng bị bỏ hoang, nhiều ống dẫn nước bị han gỉ, đứt rời. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều đoạn ống dẫn nước của các hộ trong xóm. Các đầu ống được bà con buộc vào một chai nhựa đặt ở giữa suối. Trên thân mỗi chai có đục nhiều lỗ nhỏ để lọc rác, lá cây. Ngoài ra không có bất kỳ một biện pháp làm sạch nào khác. Anh Sỉnh bảo: Hộ nào có điều kiện thì mới làm được vòi dẫn nước vì khoảng cách từ suối đến hộ gia đình dài khoảng 2-3km. Mấy năm nay, điều kiện kinh tế trong xóm khá hơn, một số hộ đã khoan giếng để dùng nhưng chi phí cũng lên đến 12-13 triệu đồng.

Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng chia sẻ trên báo Thái Nguyên: Xóm Khe Cạn nằm ở vị trí cao, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào con suối gần đó. Trước thực trạng xuống cấp của công trình nước tự chảy, chúng tôi đã nhiều lần vận động, hỗ trợ đồng bào sửa chữa các hạng mục nhưng vẫn không thể khắc phục được tình trạng thiếu nước. Ngoài xóm Khe Cạn, trên địa bàn xã Văn Lăng còn khu vực Khau Bí của xóm Liên Phương với trên 20 hộ đồng bào dân tộc Mông hiện đang thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ ở đây phải đi hơn 2km mỗi ngày để lấy nước về sinh hoạt nên đời sống người dân rất khó khăn. Xã cũng đã nhiều lần đề xuất với các cấp, ngành về việc sửa chữa hoặc xây mới công trình cung cấp nước sạch cho bà con nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nước sạch trong sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân. Trước những khó khăn về nguồn nước mà người dân Khe Cạn, Khau Bí đang gặp phải rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng trong việc đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch để người dân yên tâm, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Thu Trang (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Người dân Khe Cạn-Đồng Hỷ mòn mỏi mong nước