Thái Nguyên: Sản xuất chè hữu cơ, nông dân được phong nghệ nhân

H.Thu (t/h)|21/09/2017 09:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nghệ nhân Nguyễn Văn Đoàn là người Thái Nguyên duy nhất tính đến thời điểm này nhận được danh hiệu nghệ nhân làng nghề.

Nghệ nhân sản xuất chè hữu cơ Nguyễn Văn Đoàn 

Từ rất lâu, ở xóm Khuôn II, xã Phúc Trìu (thành phố Thái Nguyên), Ông Nguyễn Văn Đoàn đã gắn bó với việc sản xuất, truyền dạy cách làm nông sản hữu cơ.

Từ nhỏ, ông Đoàn đã được bố mẹ dạy cho cách chăm sóc chè bằng phân chuồng, gio nứa. Ý tưởng về cách trồng chè theo phương pháp hữu cơ, thân thiện với môi trường nảy nầm trông ông từ đó. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê hương và bắt đầu thực hiện dự định của bản thân. Khác với mọi người, ông không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. để đuổi sâu bệnh, ông phát minh ra máy hút sâu cải tiến từ chiếc máy cắt cỏ. Nhiều người thấy vậy thì dẻ bỉu, cho là ông không bình thường, nhưng với quyết tâm của bản thân, ông tin mình làm đúng.

Với niềm say mê nghiên cứu và quyết tâm thực hiện, những sản phẩm chè an toàn của ông Đoàn đã ra đời, đảm bảo các yếu tố như: không thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng…

Năm 2012, ông Đoàn đứng ra vận động một số bà con quanh vùng thành lập Hợp tác xã Chè Núi Cốc với 13 thành viên. Từ đây, đã có thêm nhiều bà con mạnh dạn tham gia trồng chè hữu cơ dưới sự chỉ dẫn tận tình của Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Đoàn. Trong số 16ha chè của Hợp tác xã, đã có 6ha được bà con áp dụng phương pháp hữu cơ, số còn lại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chị Nguyễn Thị Hương, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương phấn khởi cho biết năng suất chè của mô hình này luôn ổn định ở mức 12 tấn chè búp khô/ha, giá bán ra cũng cao hơn nhiều so với các loại chè thông thường. “Từ khi áp dụng trồng chè hữu cơ, tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn, không khí môi trường trong lành, chất lượng chè đảm bảo và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm” – chị cho hay.

Chè hữu cơ được Hợp tác xã Chè Núi Cốc bán ra với giá dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng/kg (tùy loại), chè VietGAP có giá 200-300 nghìn đồng/kg. Doanh thu của Hợp tác xã đạt hơn 300 triệu đồng/năm.

Hiện tại, ông Toàn đảm trách công việc của Hợp tác xã, đông thời thường xuyên phải giảng dạy tại các địa phương khác, thậm chí cả ở nước ngoài. Trung bình mỗi năm, ông Đoàn tham gia đào tạo 7 – 8 lớp với hàng trăm lượt học viên. Không chỉ có riêng chè mà các nông sản khác như: quế, rau, măng… cũng được ông nghiên cứu và hướng dẫn trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ.

Vì kinh nghiệm và những đóng góp của mình, năm 2016 ông vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Dù là địa danh của thủ phủ trà Việt nhưng đến nay, ông mới là người đầu tiên và duy nhất ở Thái Nguyên được nhận danh hiệu này.

H.Thu (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Sản xuất chè hữu cơ, nông dân được phong nghệ nhân