Thâm nhập xưởng sản xuất cà phê giả và siêu bẩn ở Sài Gòn

Trần Chung|05/10/2017 11:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hô biến” đậu tương thành… cà phê

(Moitruong.net.vn) – Thời gian qua, tình trạng cà phê giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra xử lý nhưng tình trạng sản xuất cà phê giả vẫn không suy giảm. Vậy, cà phê giả đang được sản xuất như thế nào và được tạo nên từ nguyên liệu gì? Để tìm câu trả lời cho vấn nạn sản xuất cà phê giả, phóng viên Moitruong.net.vn sau nhiều ngày tìm hiểu, theo dõi mới  tìm được cách thâm nhập vào một xưởng sản xuất cà phê giả lớn trên địa bàn quận 12, TP Hồ Chí Minh.

>>Hãi hùng quy trình sản xuất cà phê giả

Trong vai người kinh doanh cà phê, chúng tôi được C. (ngụ TP HCM) là chủ một quán cà phê chỉ đến xưởng rang xay cà phê của vợ chồng ông Sơn (ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM). “Xưởng ông Sơn lớn nhất nhì khu vực này, các anh muốn loại nào cũng có. Muốn làm loại hàng nào, các anh cứ vào gặp trực tiếp vợ chồng ông ấy sẽ rõ nhé!”, C. nói.

Từ lời giới thiệu của C., một ngày cuối tháng 9/2017, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất cà phê của ông Sơn nằm khuất trong mảnh đất rộng lớn, xung quanh cỏ lau um tùm. Vừa đặt chân đến trước khu vực nhà xưởng, lập tức một người phụ nữ đến hỏi: “Các anh muốn gia công hay mua hàng?”. Chúng tôi nói đang có đối tác làm ăn ngoài miền Bắc, muốn lấy số lượng hàng lớn, lập tức người phụ nữ này mời vào chiếc bàn nhỏ đặt trước cửa nhà xưởng để trao đổi. Người này giới thiệu là vợ chủ xưởng, liên tục giới thiệu đủ kiểu mặt hàng cà phê để chúng tôi lựa chọn. “Các anh làm ăn lớn thì nên mua hàng trực tiếp ở đây, vì giá cả rất rẻ. Còn muốn mang hàng chỗ khác đến rang xay cũng được, miễn sao các anh thấy có lời. Chỗ tôi làm ăn uy tín, muốn loại cà phê nào cũng có”.

anh-1

Những mẻ đậu tương được “hô biến” thành… cà phê tại xưởng cà phê ông Sơn.

Sau một hồi nói chuyện và “tham quan” nhà xưởng, chúng tôi được nhân viên dẫn đi gặp ông Sơn tại nhà riêng, cách xưởng chừng 15m. Gặp chúng tôi, ông Sơn nhanh nhảu: “Chỗ tôi làm được tất cả các loại cà phê, các anh yên tâm nhé!”. Ông Sơn cho biết mở xưởng sản xuất cà phê khoảng 8 năm, hằng ngày có nhiều khách hàng đến gia công, mua hàng. Đáng nói, dù xưởng ông Sơn sản xuất cà phê giả nhưng mấy năm nay chưa từng bị cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý.

Ông Sơn cho biết thêm chế biến đủ loại cà phê tùy theo yêu cầu của khách hàng, nên giá cả cũng khác nhau. Cụ thể, loại cà phê gồm 80% đậu tương và 20 % cà phê thật có giá 70.000 đồng/kg. Riêng loại 100% đậu tương trộn với chất tạo màu có tên caramen thành cà phê thì giá chỉ 36.000 đồng/kg…

“Giờ khách hàng chuộng nhất là loại cà phê “50 – 50”, tức là 50% cà phê thật với 50% đậu tương pha với chất tạo màu. Loại 100% đậu tương pha với chất tạo màu thành cà phê thì ít người dùng. Tôi nghĩ làm cái gì cũng phải có tâm, chứ làm cà phê mà toàn đậu tương pha lẫn với hóa chất thì ác quá!”, ông Sơn ý kiến.

Ông Sơn còn tiết lộ nguồn đậu tương để làm giả cà phê được nhập từ một công ty ở bên Campuchia, giá khoảng 15.000 đồng – 30.000 đồng/kg.Trong khi đó giá mỗi kg hạt cà phê nhân tại thị trường hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg. Ngoài ra, còn một số nguồn hàng “bí mật” mà ông Sơn đang cất giấu tại một nhà kho cách xưởng không bao xa nhưng không được tiết lộ. “Cà phê, đậu tương thì khách hàng có thể mua chỗ tôi, nhưng chất tạo màu thì tự mang đến nhờ tẩm ướp. Giờ giá hàng hóa đều tăng, tôi làm chỉ kiếm chút đỉnh tiền gia công, không ăn thua”, ông Sơn phân bua.

Bí mật bên trong nhà xưởng

Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi yêu cầu ông Sơn cung cấp 2 loại cà phê gồm nguyên chất và đậu tương tẩm chất tạo màu thành cà phê để về nhà xem xét trước khi đặt mua hàng. Ngay lập tức, ông Sơn cho nhân viên ra nhà xưởng xay 2kg cà phê như chúng tôi yêu cầu rồi đánh dấu sẵn trên mỗi bịch ni-lông cho dễ phân biệt. Lấy hàng xong, chúng tôi bí mật ra nhà xưởng để xem nhân viên đang thực hiện thao tác tẩm ướp, chế biến cà phê bẩn. Theo quan sát, nhà xưởng này rộng khoảng 100m2, bên trong đặt 1 máy rang, 1 máy sấy, 1 máy xay và có khoảng 4 – 5 thanh niên làm việc. Phía bên ngoài bờ ruộng còn có một nơi cất giấu chất tạo màu (chủ yếu là caramen) để nhân viên pha chế.

Nhân viên tên H. cho hay nếu là khách mới khi đến gia công thì chỉ cần ghi lại công thức pha chế rồi ông chủ sẽ hướng dẫn cho nhân viên thực hiện. Công đoạn gia công cà phê nguyên chất rất đơn giản, chỉ cần số lượng cà phê cộng với bơ và đường hóa học rồi đổ vào lò rang và đóng gói. Tuy nhiên, khách hàng có nhu cầu gia công 70% đậu tương với 30% cà phê, hoặc toàn đậu tương thì quy trình tẩm ướp, rang xay khó khăn hơn vì nếu làm không đúng công thức thì khó cho ra mùi vị cà phê. Theo H. thông thường 1kg chất tạo màu caramen có thể pha chế được khoảng 100kg đậu tương…

Quy trình “hô biến” đậu tương thành… cà phê theo H. rất đơn giản. Chỉ cần đổ đậu tương vào lò xay (tính theo kg) rồi pha chất tạo màu đổ lên một chiếc nồi lớn trên máy xay, khoảng 1 tiếng đồng hồ sau sẽ cho ra lò một mẻ “cà phê nguyên chất” như khách hàng yêu cầu. Sau khi rang xong, hai nhân viên dùng chiếc xẻng đập những tảng đậu tương dính chặt vào nhau vừa ra lò. Những mẻ đậu tương nguội lạnh sẽ được chuyển đến máy sấy rồi đóng vào gói cung cấp cho khách hàng.

Một lần ghé vào nhà xưởng này chúng tôi chứng kiến cảnh khói bốc nghi ngút, kèm theo mùi khét lẹt, hỏi thì nhân viên ở đây cho biết mới rang xong mẻ đậu tương. “Nghe mùi khét vậy thôi, chứ uống ngon lắm. Em nghĩ chỉ có dân chuyên cà phê mới phân biệt được loại “cà phê truyền thống” với cà phê nguyên chất”, nam nhân viên khẳng định. Cũng theo nhân viên này, làm việc ở xưởng cà phê dù rất cực nhưng thu nhập chỉ được khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng. “Chắc em làm ở đây thời gian nữa rồi nghỉ, chứ làm thế này thất đức lắm!”, nam thanh niên tỏ ra hối hận.

Trần Chung


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thâm nhập xưởng sản xuất cà phê giả và siêu bẩn ở Sài Gòn