Tham vấn ý kiến về định hướng sửa đổi, bổ sung dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai

Phương Linh|12/11/2019 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, hoạch định chính sách.

Trực tiếp trình bày một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hai dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, vào tháng 5.2020.

Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai

Tại hội thảo, các ĐBQH cho rằng đây là hai dự luật có tác động sâu rộng đến kinh tế, xã hội đất nước và đời sống người dân, vì thế cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến đóng góp rộng rãi các đối tượng liên quan. Các đề xuất chính sách phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ để bảo đảm luật sau khi ban hành được triển khai hiệu quả.

Một số vấn đề được đưa ra xem xét sửa đổi, bổ sung gồm các nhóm chính sách lớn: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel…); rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan.

Làm thủ tục để được cấp sổ đỏ

Đối với Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến đổi mới nội dung lập quy hoạch sử dụng đất các cấp để đảm bảo tính ổn định và đồng bộ, quy hoạch có tính kế thừa, cân bằng giữa khu vực “bảo vệ nghiêm ngặt” và khu vực “giữ ổn định” và khu vực “được chuyển mục đích sử dụng”; có tính đến định hướng khai thác không gian ngầm, khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển, lấn biển, các đảo và quần đảo…

Bên cạnh việc thiết lập cơ sở dữ liệu giá đất thị trường tin cậy, Bộ cũng sửa đổi chính sách thu hồi đất. Trong quá trình thảo luận hiện tồn tại 2 quan điểm. Một là, thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Hai là, cơ bản giữ nguyên các trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng quy định rõ tiêu chí lợi ích quốc gia, công cộng; đồng thời, bổ sung thu hồi đất đối với trường hợp Nhà nước tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng..

Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ quy định rõ hơn về nội dung, trách nhiệm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư và của người dân trong bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, quy định về các tiêu chí xác định đối tượng phải đánh giá tác động môi trường; chỉnh sửa các quy định về danh mục chất ô nhiễm, nguồn phát sinh chất ô nhiễm, dòng thải các chất ô nhiễm ra môi trường… Trước việc sự cố ô nhiễm môi trường đang xảy ra ngày càng nhiều với quy mô và cấp độ khác nhau, Dự án Luật sẽ quy định rõ về sự cố ô nhiễm môi trường, các cấp độ sự cố, trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của tổ chức, cá nhân…

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nêu quan điểm việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án Luật là rất cần thiết, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức nhiều hội thảo tham vấn nhằm tiếp cận nhiều hơn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, ngành, cơ quan quản lý và cử tri trong việc sửa đổi, bổ sung hai dự án Luật.

Phạm vi điều chỉnh được xác định là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 dự án Luật nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn trong quản lý Nhà nước về đất đai, tạo khung pháp lý để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đảm bảo sự thống nhất đồng bộ giữa Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường với các luật có liên quan.

Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để hoàn thiện Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phương Linh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn ý kiến về định hướng sửa đổi, bổ sung dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai