Thanh Hóa: Học sinh thiếu chỗ học vì trường xây dựng nửa chừng rồi ‘đắp chiếu’

Ngọc Linh (t/h)|02/09/2019 07:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều năm qua, khu nhà 3 tầng với 9 phòng học của Trường THCS Quang Trung (thành phố Thanh Hóa) xây dựng dở dang rồi “đắp chiếu” khiến nhà trường vốn đã chật chội càng trở nên “ngột ngạt” hơn, học sinh phải học 2 buổi/ngày vì thiếu phòng học.

Những năm học gần đây, Trường THCS Quang Trung (phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa) thường có khoảng 1.500 học sinh, chia thành 31 lớp. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của trường chỉ đáp ứng được 22 phòng học, nên nhà trường phải bố trí học 2 ca/ngày.

Tháng 9.2015, UBND thành phố Thanh Hóa quyết định đầu tư, xây dựng thêm khu nhà 3 tầng, với quy mô 9 phòng học và các phòng chức năng cho Trường THCS Quang Trung, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường.

Dự án do UBND phường Ba Đình làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 5 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu thi công dự án là Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Thanh Minh (có địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa).

Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Thanh Minh, thời gian hoàn thành không quá 3 năm. Tuy nhiên, đã gần 4 năm kể từ khi khởi công, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành và “đắp chiếu” gần 2 năm nay.

Nhiều năm học qua, hàng ngày cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường phải chứng kiến hình ảnh một công trình ngổn ngang, nhếch nhác ngay trong khuôn viên nhà trường.

Theo hợp đồng xây dựng, công trình phải hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2018. Thế nhưng, khi đang thi công dang dở, mới được khoảng 50% khối lượng, thì từ cuối năm 2017, nhà thầu đã dừng thi công cho đến nay.

Khu nhà được xây dựng ngay sát tường dãy nhà cũ đang sử dụng. Công trình mới thi công phần thô; mái tầng 3 chưa được đổ bằng, trơ ra những thanh thép hoen gỉ ở đầu các cột bê tông.

Công trình được đầu tư 5 tỉ đồng, nhưng xây dở dang rồi “treo” giữa thành phố nhiều năm nay. Ảnh: Thanh Niên

Để tránh nguy hiểm có thể xảy ra với các em học sinh, nhà trường phải dùng hàng chục cây luồng đóng thành vách ngăn, không để các em lên các tầng đang ngổn ngang gạch đá, giàn giáo.

Cũng vì công trình dở dang, nằm ì nhiều năm nay cạnh khu trường học sinh đang học hàng ngày, nên khi mưa xuống khiến môi trường ẩm ướt, mất vệ sinh và mất mỹ quan khuôn viên nhà trường.

Gạch đá ngổn ngang trong các phòng học dở dang. Ảnh: Thanh Niên

Thầy Lê Nguyên Thọ, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết, công trình đã xây dựng được 75%, chỉ còn 25% nhưng đột nhiên dừng lại. Đã có nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan được tổ chức.

Năm học 2018 – 2019, nhà trường có hơn 1.500 học sinh, chia thành 31 lớp. Hiện nhà trường mới chỉ có 22 phòng học. Do thiếu phòng học nên phải bố trí học 2 ca/ngày.

“Nếu đủ phòng học sẽ tổ chức học một ca, buổi còn lại có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia của nhà trường cũng vì vậy mà bị chậm lại. Trong khi các tiêu chí khác đã đạt và vượt, tuy nhiên chỉ còn lại tiêu chí cơ sở vật chất thì chưa”, thầy Thọ chia sẻ.

Trước thực trạng trên, nhà trường và phụ huynh đã nhiều lần họp, kiến nghị, kể cả qua các cuộc họp Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn dậm chân tại chỗ.

“Công trình này là công trình “nóng” do Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo về mặt cơ sở vật chất cho hệ thống trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, không biết do đâu mà kéo quá dài rồi, đã phối hợp và đề nghị rất nhiều rồi”, thầy Thọ cho biết thêm.

Lãnh đạo nhà trường rất tâm tư khi một ngôi trường có bề dày lịch sử 60 năm, được đánh giá là có chất lượng đào tạo top đầu ở thành phố Thanh Hóa, lại phải dạy học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn như hiện nay.

Liên quan đến vụ việc này, ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch UBND phường Ba Đình cho biết, công trình 3 tầng Trường THCS Quang Trung tiến độ xây dựng quá chậm so với hợp đồng. Trong khi nhu cầu sử dụng phòng lớp học để phục vụ việc giảng dạy cho học sinh là hết sức cần thiết.

“Công trình bị dừng xây dựng từ năm 2017. Do năng lực của nhà thầu yếu kém nên họ tự dừng chứ không phải không có tiền. Hiện UBND thành phố đã họp bàn tìm cách xử lý đối với các dự án do nhà thầu này thi công, bởi ngoài công trình Trường THCS Quang Trung, họ còn chậm ở nhiều dự án khác”, ông Hùng nói.

Công trình xây dựng dở dang, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh.

Để ngăn ngừa những nguy cơ có thể xảy ra, suốt nhiều năm qua, nhà trường phải cử cán bộ giáo viên phối hợp với bảo vệ thường xuyên giám sát, không để học sinh ra vào khu vực công trình.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Học sinh thiếu chỗ học vì trường xây dựng nửa chừng rồi ‘đắp chiếu’