Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng ven biển

Minh An (T/h)|16/08/2018 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng với nhiều thách thức; trong đó Thanh Hóa là một trong những tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp với tần suất, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng bất thường, hiện tượng nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt có xu hướng gia tăng nên việc trồng và bảo vệ rừng ven biển càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Cụ thể, hàng năm bình quân trên toàn tỉnh Thanh Hóa trồng mới được gần 100 ha rừng ven biển, khoán bảo vệ rừng đạt trên 2.500 ha/năm theo các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, rừng trồng ngập mặn-giảm thiểu rủi ro thảm họa do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ…

Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng ven biển

Ngoài ra, còn đầu tư phát triển rừng ngập mặn phòng hộ tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) do Quỹ thiên tai miền Trung tài trợ; các dự án rừng ngập mặn phòng hộ ven biển chống xói lở bờ biển; trồng cây chắn sóng thuộc dự án cũng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê cửa sông, duy tu đê biển…đã nâng diện tích rừng ven biển trên toàn tỉnh lên 5.635,76 ha, nâng độ che phủ của rừng ven biển đạt 15,73% góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Qua gần 14 năm thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập trên 3.000 tổ tuyên truyền bảo vệ rừng ở thôn bản, tổ đội bảo vệ rừng cơ sở, xây dựng bản quy ước bảo vệ rừng thôn bản và khu dân cư “ ba không” trong bảo vệ rừng. Hoạt động lâm nghiệp chuyển biến đáng kể theo hướng lâm nghiệp xã hội, từ khai thác sang trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ. Toàn tỉnh đã giao hơn 684.000 ha rừng cho các ban quản lý, doanh nghiệp, người dân để quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng đã được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm còn kiên quyết xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Từ năm 2016 đến nay, toàn lực lượng đã bắt giữ, xử lý 1.270 vụ vi phạm liên quan đến rừng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 20 tỷ đồng.

Minh An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng ven biển