Thanh Hóa: Tưng bừng Lễ hội Mai An Tiêm năm 2017

An An|08/04/2017 09:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Lễ hội được tổ chức nhằm tri ân công đức của Mai An Tiêm – người đã khai phá, mở mang bờ cõi, người được coi là thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng. 

Lễ hội Mai An Tiêm năm 2017 được tổ chức công phu, trang trọng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan

Sáng 8/4, tại Khu Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia Mai An Tiêm (xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ hội Mai An Tiêm năm 2017.

Tại lễ hội, sau lễ rước sắc phong từ Nhà văn hóa Văn Đức đến Đền thờ Đức thánh Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, phần lễ được bắt đầu với các nghi thức tế lễ, đọc chúc văn, dâng hương thành kính, tưởng nhớ Đức thánh Mai An Tiêm – nhân vật huyền sử của nước Văn Lang thời vua Hùng thứ 18. Tiếp đó, phần hội của lễ hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động như: thi khắc dưa, tổ chức giải bóng chuyền, cờ tướng…

Trong tâm thức của nhiều thế hệ đều biết đến câu chuyện cổ tích gắn liền với sự tích Quả dưa đỏ. Câu chuyện cho thấy một nhân cách cao thượng của Đức thánh Mai An Tiêm – con người trung thực, khẳng khái, ghét bỏ những lời xu nịnh. Chính từ đức tính cao đẹp ấy, Vua Hùng đã sớm phát hiện ra Mai An Tiêm là người có đức tráng, trí bền, nên vua đã gửi niềm tin, tôi luyện Mai An Tiêm nơi đảo vắng, nhằm khai khẩn biển trời giang sơn cho hậu thế.

Phụng lệnh vua cha, Mai An Tiêm và gia đình ra nơi đảo vắng. Là một người thông minh, tháo vát sống ở nơi chỉ có gió, cát, biển cả mênh mông Mai An Tiêm đã chăm chỉ lao động để tạo dựng cuộc sống cho gia đình. Lấy hang đá làm nhà, đan phên dậu để chống chọi mưa nắng, dùng rau dại để ăn và lấy nước biển làm muối. Vận may đã không phụ lòng người, miếng dưa đỏ mà loài chim lại mang đến, bằng bàn tay lao động, vợ chồng Mai An Tiêm đã có một vườn dưa hấu, quả to, trong đỏ, ngoài xanh, vị ngọt thơm mát.

Đến một ngày, chiếc thuyền đánh cá lạc vào hoang đảo, Mai An Tiêm không quên hái tặng, gửi về làm quà và xin trao đổi một ít vật dụng hằng ngày. Tiếng đồn về loại quả mới lạ, ruột đỏ, ngọt mát đã khiến nhiều thuyền buôn khắp nơi tìm đến mua bán, trao đổi. Câu chuyện về Quả dưa đỏ đã giúp Mai An Tiêm trở về với đất liền, và hoang đảo ngày ấy trở thành bãi dưa huyền thoại.

Tưởng nhớ công lao, nhân dân Nga Sơn đã lập đền thờ Đức thánh Mai An Tiêm tại khu di tích tôn nghiêm. Hằng năm vào các ngày từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3 Âm lịch, nhân dân trong vùng rộn ràng tổ chức lễ hội Mai An Tiêm.

An An


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tưng bừng Lễ hội Mai An Tiêm năm 2017