Thanh Hóa: Xác định nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở thị xã Nghi Sơn

Minh Anh (T/h)|10/03/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mới đây, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có kết quả phân tích các yếu tố về môi trường, dịch bệnh dẫn đến nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở các phường Hải Ninh và Hải Châu (thị xã Nghi Sơn).

Theo kết quả kiểm tra, thông tin của các hộ nuôi thì từ ngày 1-3 ngao của 5 hộ nuôi, tổng diện tích nuôi là 3,8 ha ở các phường Hải Ninh và Hải Châu bắt đầu có hiện tượng chết, diễn biến đến ngày 4-3 thì bắt đầu chết nhiều với tỷ lệ chết khoảng 20-25%. Trong đó, tại phường Hải Ninh có 4 hộ, diện tích 3,5 ha; phường Hải Châu có 1 hộ, diện tích 0,3 ha ngao chết.

Để xác định rõ nguyên nhân gây chết ngao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành lấy mẫu ngao chết và nước gửi Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xét nghiệm.

Ngao chết trắng đồng

Qua kết quả xét nghiệm các mẫu âm tính với vi khuẩn Vibrio, âm tính với bệnh Perkinsus sp (đây là bệnh phải công bố dịch); còn lại các chỉ tiêu môi trường gồm Amoni (N-NH3), Nitrit(N-NO2), Sulfua (H2S), COD, BOD đang đợi kết quả xét nghiệm.

Nhận định nguyên nhân hiện tượng ngao chết, theo phản ánh của người nuôi vào thời điểm trước khi ngao chết 1 ngày có hiện tượng nước màu đỏ, váng đỏ, đây có thể là hiện tượng tảo nở hoa, ngao bị độc tố của tảo gây chết ban đầu. Kết hợp với mật độ nuôi ngao tại đây rất cao, tại thời điểm kiểm tra là 2.000 con/m2 cao hơn gấp 6 lần (tiêu chuẩn thích hợp nhất là 250-300 con/ m2) là những nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng ngao chết tại phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn. Đến nay, ngày 9-3 sau khi được các ngành chuyên môn hướng dẫn các hộ nuôi ngao thực hiện vệ sinh bãi nuôi bằng bơm nước, san thưa mật độ thì tỷ lệ ngao chết đã giảm.

Để khắc phục hiện tượng ngao chết và giảm thiểu thiệt hại cho các hộ, các đơn vị có liên quan đang tiếp tục phối hợp cùng UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức thu gom ngao chết tiến hành tiêu hủy theo quy định, tránh gây ô nhiễm bãi nuôi ngao và môi trường xung quanh; hướng dẫn, tuyên truyền các hộ nuôi ngao thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp với vùng nuôi. Khuyến cáo các hộ nuôi có ngao đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch để giảm thiệt hại; những hộ có ngao chưa đạt kích cỡ thương phẩm cần tăng cường chăm sóc, san thưa để duy trì mật độ thả thích hợp.

Cùng với đó vệ sinh bãi ngao hàng ngày thu gom rác, ngao chết mang ra khỏi vùng nuôi chôn lấp theo quy định; đặc biệt là các bãi ngao đang chết thực hiện vệ sinh bãi ngao bằng bơm nước.

Tạm dừng thả nuôi mới, chỉ được thả nuôi mới khi xử lý môi trường, cải tạo bãi nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn tốt cho ngao sinh trưởng và phát triển; ngao giống được chọn từ cơ sở uy tín, sạch bệnh, có kiểm dịch theo quy định.

Tăng cường thông tin tuyên truyền cho các hộ nuôi biết tình hình ngao chết trên địa bàn và thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của ngao nuôi, hàng ngày vệ sinh bãi nuôi (rác thải, ngao chết…); khuyến cáo người nuôi cần sử dụng con giống có nguồn gốc, có kiểm dịch theo quy định. Phân công cán bộ chuyên môn giám sát chặt chẽ tình hình nuôi ngao trên địa bàn để kịp thời cập nhật thông tin, đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời và thực hiện.

Trước đó, theo phản ánh cánh đồng nuôi ngao của bà con 2 phường ven biển Hải Ninh và Hải Châu trắng xoá vì ngao chết như ngả dạ, thiệt hại cho mỗi gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tại phường Hải Ninh có khoảng 3,5 ha nuôi ngao bắt đầu có hiện tượng chết từ ngày 1 – 3, đến ngày 4 – 3 thì chết nhiều chưa rõ nguyên nhân, tỷ lệ chết khoảng 20-25% với khối lượng lên đến khoảng 40 tấn ngao.

Còn phường Hải Châu, địa điểm giáp ranh với phường Hải Ninh cũng có một hộ nuôi ngao với diện tích 3.000 m2 bị ảnh hưởng, số lượng ngao chết gần 10 tấn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Xác định nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở thị xã Nghi Sơn