Thừa Thiên – Huế: Bờ sông sạt lở trầm trọng, “cát tặc” vẫn “lộng hành” không buông tha

02/08/2017 07:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, bờ sông Tả Trạch đoạn qua xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị sạt lở mạnh,cuốn trôi nhiều diện tích đất đai, ruộng vườn của người dân sinh sống ven sông. Theo người dân nơi đây, nguyên nhân trực tiếp

(Moitruong.net.vn) – 

Sạt lở bờ sông Tả Trạch tạo thành những hàm ếch khoét sâu vào bờ hàng chục mét

Người dân địa phương lo lắng cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Tả Trạch xảy ra từ nhiều năm qua. Đặc biệt, cứ đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao và chảy siết “liếm” sâu vào bờ từ 5 – 10m đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân trong vùng.

Theo ghi nhận của PV, dọc bờ sông Tả Trạch, đoạn qua ba thôn Buồng Tằm, thôn Hộ và thôn Hạ (thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) có những điểm sạt lở dài khoảng 5km, nhiều mép sông bị nước khoét sâu tạo thành những “hàm ếch” dựng đứng.

Một điều khiến người dân lo sợ nữa là tình trạng sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến tuyến đường giao thông liên xã nối giữa xã Dương Hòa với xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), ranh giới giữa 2 xã cách không xa có một điểm đường bị sạt lở, ăn sâu vào sát mặt đường bê tông.

Lý giải tình trạng này, nhiều người dân địa phương bức xúc cho biết, nguyên nhân trực tiếp khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng nói trên chủ yếu là do nạn khai thác cát sạn quá mức làm thay đổi dòng chảy của lòng sông, nền đất trở nên yếu hơn dẫn đến sạt lở. Mặc dù theo quy định, tàu chỉ hút cát trong phần mỏ được cấp phép, nhưng có nhiều tàu ngang nhiên vào hút cát sát phần đất của người dân. 

Người dân lo lắng trước tình trạng cát tặc vẫn ngang nhiên lộng hành khiến ruộng vườn bị cuốn trôi

“Ở phía đoạn sông này có điểm khai thác cát. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng trên đoạn sông Tả Trạch. Việc khai thác cát này diễn ra khoảng từ 3 – 4 năm nay. Có ngày số tàu hút cát lên đến 5 – 7 chiếc, hoạt động từ sáng sớm đến đêm khuya”, anh Lê Văn Tân (45 tuổi, thôn Hạ, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy), bức xúc.

Anh Tân cho biết thêm, khu vực này có mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép để hoạt động, nhưng các tàu thuyền lại không khai thác ở mỏ mà lén ra khỏi khu vực để khai thác trộm. Các đối tượng cát tặc này còn hoạt động công khai cả ban ngày. Hiện UBND xã Dương Hòa đã cho thành lập tổ tự quản và cấp một chiếc thuyền máy để kiểm tra tình hình khai thác cát của các tàu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thức – Phó chủ tịch xã Dương Hòa cho biết: “Mỗi năm sạt lở càng lấn sâu vào đất của người dân. Có nhiều đoạn sạt lở sâu vào khoảng 20 – 30m, ảnh hưởng lớn đến hoa màu của bà con. Nguyên nhân chủ yếu vì nơi đây là thượng nguồn của sông nên dòng nước chảy mạnh, 2 bên bờ sông là cát bồi nên dễ bị xói lở. Một nguyên nhân khác là do tình trạng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra trên địa bàn. Chính quyền xã Dương Hòa đã gửi văn bản báo cáo lên cấp trên để có các biện pháp kiểm tra, bắt giữ các tàu vi phạm”.

Tình trạng “cát tặc” lộng hành “rút ruột” lòng sông đã diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý hiệu quả, chấm dứt tình trạng trên.

   H.Đội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Bờ sông sạt lở trầm trọng, “cát tặc” vẫn “lộng hành” không buông tha