Thừa Thiên – Huế: Cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ vệ sinh môi trường

Phạm Thi|26/02/2017 03:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Theo thống kê, trên toàn tỉnh bình quân mỗi ngày, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh khoảng 450 tấn, CTR nguy hại khoảng 2,5 tấn và CTR khác (CTR xây dựng, bùn thải) khoảng 440 tấn.

Tăng cường triển khai đề án

Thời gian trở lại đây, từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã đều phê duyệt và triển khai đề án thu gom, xử lý CTR sinh hoạt định hướng đến năm 2020. Đề án đã tạo được bước chuyển lớn trong các ngành, các cấp và đã hình thành được một hệ thống thu gom tại các khu vực trung tâm cấp huyện, xã, dọc tuyến QL 1A, các khu dân cư tập trung và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với sự hình thành và phát triển của các khu dân cư tập trung, khu du lịch, chợ, làng nghề… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ngày càng lớn.

1

Xã hội hóa dịch vụ vệ sinh môi trường, góp phần nâng tỷ lệ thu gom rác thải

Để giải quyết ô nhiễm môi trường, thời gian qua, huyện Phú Vang đã thực hiện nhiều đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hầu hết các xã, thị trấn đều có tổ thu gom, vận chuyển rác thải về bãi rác của tỉnh, xóa bỏ nhiều điểm ô nhiễm ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân như bãi rác thôn Diên Đại (Phú Xuân), trạm trung chuyển rác thôn Dưỡng Mong (Phú Mỹ)… Rác thải đã được vận chuyển bằng xe chuyên dụng nên tình trạng tồn đọng rác hầu như không còn nữa. Việc đầu tư đội ngũ xe chuyên dụng vào quá trình thu gom, vận chuyển rác bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực trong quá trình đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan trên địa bàn huyện Phú Vang.

Đầu tư công nghệ thu gom, vận chuyển rác thải

Để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn, dần tiến tới tự chủ, giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, từng bước kêu gọi xã hội hóa dịch vụ, huy động nguồn lực từ cộng đồng, nâng cấp công nghệ, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải.

2

Đội ngũ  xe chuyên dụng ở Phú Vang nâng cao năng suất trong vận chuyển rác thải

Công ty TNHH Hằng Trung là doanh nghiệp đầu tiên ở Phú Vang tham gia dự án xử lý rác thải bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Với đội xe chuyên dụng gồm 6 chiếc, vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng và lực lượng lao động thường xuyên hơn 50 người, bước đầu doanh nghiệp đã bảo đảm thu gom, vận chuyển rác cho 17/20 xã, thị trấn trên địa bàn trong vòng 24 tiếng, rút ngắn một nửa thời gian so với yêu cầu của huyện và bằng một phần ba thời gian tồn đọng rác tại một số địa phương trước đây vẫn hợp đồng xe ben chở cát sạn chuyên chở định kỳ 3 ngày/1 lần, thậm chí có khi kéo dài đến từ 5 đến 7 ngày, như các xã Phú Xuân, Phú An, Phú Hồ, Vinh Thái…

Với thiết bị hiện đại của xe chuyên dụng, gồm hệ thống cuốn, ép, cẩu, xuồng…và đội ngũ nhân công chuyên nghiệp, việc thu gom rác thải được tiến hành thuận tiện, dứt điểm, làm đến đâu sạch đến đó, vừa hạn chế tối đa rác rơi vãi, vừa giảm công lao động.

Bà Nguyễn Thị Nga, bán bún ở ngã tư đường An Vân Dương và Tỉnh lộ 10 phấn khởi: “Từ ngày có xe chuyên dụng đến thu gom rác hàng ngày vừa không còn cảnh nhếch nhác trên đường phố, vừa giảm hẳn mùi hôi thối. Đời sống người dân chúng tôi nhẹ nhàng hơn”.

Tuy vậy, hiện nay, việc quản lý, xử lý CTR nguy hại và các loại CTR khác phát sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng CTR sinh hoạt sẽ tăng lên gấp 2,5 lần, CTR nguy hại tăng gấp đôi và CTR khác tăng thêm khoảng 70 tấn/ngày so với hiện nay. Do đó, để quản lý hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển cũng như xử lý đảm bảo môi trường đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, sát thực tế những giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, công nghệ, giám sát, kiểm tra, thanh tra…

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, để tăng cường năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, địa phương cần có những cơ chế chính sách trong việc ưu tiên, thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực xử lý, nhất là đầu tư công nghệ, hạ tầng để xử lý CTR theo hướng tái chế, tái sử dụng, hạn chế tỷ lệ chôn lấp như hiện nay; đồng thời phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về số lượng rác thải cũng như chất lượng an toàn vệ sinh môi trường.

Phạm Thi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ vệ sinh môi trường