Thừa – Thiên Huế: Nắn dòng sông Rào Trăng tìm người mất tích

Hoàng Nhân|19/11/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong chiều 18/11, các lực lượng đã tập trung tập kết toàn bộ rọ đá (khoảng 300 rọ) xuống dòng sông Rào Trăng để ngày 19/11 bắt đầu đắp đập nắn dòng chảy, tìm 12 công nhân mất tích nghi nằm dưới lòng sông.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương, trước cơn bão số 13, việc nắn suối Rào Trăng đã thực hiện được 1/3 khối lượng công việc. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, làm bồi lấp trở lại những đoạn đã thi công mở dòng chảy mới ở bên cạnh suối. Hiện nay, thời tiết tại khu vực tìm kiếm không có mưa, tuy nhiên, nước từ trong núi đổ ra suối Rào Trăng rất lớn, khiến mực nước hiện nay tại đây có độ sâu khoảng 1,5m.

Theo kế hoạch, ngày 19-20/11, các phương tiện máy móc sẽ tiếp tục được huy động để múc đất đá tạo dòng chảy mới kết hợp với việc sử dụng rọ đá, bao đựng đất và bạt chống thấm để đắp đê nắn dòng chảy. Khi công việc nắn dòng hoàn thành, công tác tìm kiếm những nạn nhân mất tích ở dưới lòng suối sẽ bắt đầu.

Sông Rào Trăng chảy xiết, khối lượng đất đá sạt lở lớn gây khó khăn cho việc nắn dòng.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình tìm kiếm thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu lực lượng cứu hộ nắm chắc tình hình thời tiết, bố trí người trực canh gác đề phòng mực nước suối dâng lên bất ngờ.

Tối 18/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong ngày 18/11, lực lượng cứu hộ cùng phương tiện máy móc đã tiến vào Thủy điện Rào Trăng 3 trên đường 71 từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, để tiếp tục triển khai giai đoạn nắn dòng suối Rào Trăng tìm kiếm những nạn nhân mất tích.

Trước đó, 0h ngày 12/10, nửa quả núi sạt lở đã vùi lấp lán trại, nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, nơi 17 có công nhân đang túc trực. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 5 thi thể, 12 công nhân còn mất tích.

Hoàng Nhân

Bài liên quan
  • Cây cao su, cà phê được tính vào tỉ lệ che phủ rừng không?
    Moitruong.net.vn – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) khẳng định, cây hồ tiêu, cà phê không được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. Cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa – Thiên Huế: Nắn dòng sông Rào Trăng tìm người mất tích