Thừa Thiên – Huế: Phục hồi di tích Tàng Thơ lâu, nơi lưu trữ tư liệu quốc gia thời nhà Nguyễn

Minh Hoa|16/03/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiều 15/3, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương không gian Tàng Thơ Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn.

Công trình được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng (năm 1825) làm nơi lưu trữ, bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình.

Khi xây dựng, nhà vua cho dựng bia ghi rõ quá trình xây dựng công trình, chức năng lưu trữ những tài liệu quý của triều đình nhà Nguyễn.

Lầu nằm trên hòn đảo hình chữ nhật có diện tích 150 m2 giữa hồ Ngọc Hải. Hòn đảo được kết nối với đất liền bằng cây cầu xây dựng bằng gạch, đá. Công trình là tòa nhà 2 tầng xây bằng gạch, đá, ngoài trát vôi, có độ dày 0,4 m, mái lợp ngói đất nung.

Trải qua thời gian chiến tranh, di tích Tàng Thơ Lâu bị tàn phá và sử dụng với rất nhiều chức năng khác nhau, xuống cấp nghiêm trọng. Tài liệu lịch sử lưu trữ bị thất thoát hoặc chuyển đi nơi khác.

Phục hồi công trình di tích Tàng Thơ Lâu.

Trước tình hình đó, năm 2014, Trung tâm BTDT Cố đô Huế thực hiện dự án trùng tu Tàng Thơ Lâu với kinh phí 24,8 tỷ đồng. Đến nay, di tích được phục hồi hoàn toàn và đưa vào hoạt động trở lại.

Tàng Thơ Lâu hiện trưng bày hơn 70.000 đầu sách tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, ngôn ngữ học, bản đồ.

Nhiều hiện vật, tư liệu quý được trưng bày tại Tàng Thơ lâu.

Các bộ sách chính sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục (Tiền biên và chánh biên); Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gồm Tục biên và chánh biên); Đại Nam nhất thống chí (bản khắc in thời vua Duy Tân); Đại Nam liệt truyện; Khâm định Việt sử thông giám cương mục; Minh Mạng chính yếu; Đồng Khánh- Khải Định chính yếu… được lưu trữ cả hai dạng nguyên bản Hán văn đã được khắc in và các bản chuyển dịch Việt ngữ.

Các thước phim tái hiện nghi lễ tế tự dưới thời Nguyễn như lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc và hơn 4.000 bức ảnh Huế xưa, Huế nay được lưu giữ tại đây. Các bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, tái hiện sinh động kiến trúc cảnh quan và những nét sinh hoạt độc đáo chốn Hoàng cung triều Nguyễn.

Việc phục hồi Tàng Thơ Lâu có giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa đối với di tích cố đô Huế. Lầu Tàng Thơ là địa chỉ tin cậy cho giới nghiên cứu, du khách tham quan khi đến Huế.

Minh Hoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Phục hồi di tích Tàng Thơ lâu, nơi lưu trữ tư liệu quốc gia thời nhà Nguyễn