Thừa Thiên – Huế: Thắng cảnh Đầm Chuồn biến thành… đầm rác

H.Đội|18/06/2017 11:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đầm Chuồn nổi tiếng với vẻ đẹp sông nước bao la cùng đặc sản dân dã hấp dẫn, hằng năm thu hút rất nhiều du khách

(Moitruong.net.vn) – Đầm Chuồn thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) là nơi có cảnh quan thiên nhiên thoáng mát, được người dân và du khách chọn làm điểm nghĩ ngơi sau thời gian lao động căng thẳng. Tuy nhiên, hiện nay đầm đang bị ô nhiễm nặng do rác thải tràn ngập khắp nơi, mùi hôi thối nồng nặc.
đầm chuồn1

Cách thành phố Huế khoảng hơn 10km về phía Đông Bắc, Đầm Chuồn là một phần trong hệ thống Đầm phá Tam Giang. Trước đây, người dân chỉ khai thác diện tích mặt nước đầm Chuồn để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nhưng với cảnh đẹp thiên nhiên mát mẻ, Đầm Chuồn nhanh chống thu hút rất đông du khách về tham quan, nghỉ mát. Nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền nên một vài hộ ngư dân dựng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống tự phát trên đầm. Quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển đã đem lại nguồn thu lớn cho người dân và địa phương nhưng cũng đã biến nơi đây thành một “bãi rác”.

Qua quan sát tại Đầm Chuồn, PV nhận thấy sát chân đê và trên mặt nước ven bờ rác thải tràn lan, nổi lềnh bềnh dày đặc, có nơi chất thành đống. Bên cạnh đó, Huế đã vào mùa nắng nóng làm cho mùi hôi càng bốc lên mạnh hơn, người dân ở đây luôn phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề.

đầm chuồn

Rác thải chất thành đống trên đê ở đầm Chuồn

Lý giải về mùi hôi này, một người dân cho biết: “Nguyên nhân chính là do các loại rong, tảo phát triển mạnh. Bên cạnh đó, xung quanh bờ đầm những chiếc cọc từ các căn chòi của người dân dựng lên là vật cản làm rác không lưu thông được, mắc lại lâu ngày, dẫn đến tình trạng rác phân hủy, bốc mùi, ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Anh Lê Hùng (27 tuổi) chia sẻ: “Tôi có dịp công tác tại Huế, được bạn bè giới thiệu Đầm Chuồn có đồ ăn ngon lại thoáng mát, ngồi uống bia thì rất tuyệt nên tôi đi cho biết. Nhưng ra đến đây chưa kịp cảm nhận mùi thơm ngon của đồ ăn thì đã phải ngửi mùi hôi thối từ mặt nước xọc thẳng lên mũi, rất khó chịu.” Anh Hùng ái ngại.

đầm chuồn2

Bao bì ni lông phủ kính trên mặt đầm Chuồn

Tại Đầm Chuồn hiện có nhiều hàng quán kinh doanh nhưng hệ thống xử lý nước thải chỉ là những bể chứa nhỏ, nước thải không đủ chổ chứa chảy tràn cả ra ngoài nên môi trường càng thêm ô nhiễm. Việc này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lí triệt để.

Tình trạng ô nhiễm trên đã gây ra tác hại lớn đến môi trường tự nhiên của Đầm Chuồn. Chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản đang xuống cấp ngày một nhanh hơn. Hiện toàn xã có hơn 214 ha nuôi tôm, nhưng tôm thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất, sản lượng đạt thấp, nhiều diện tích mặt nước phải bỏ, không thể nuôi trồng được do quá ô nhiễm.

đầm chuồn 4

Nguồn nước nơi đây đang ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương

Được biết, chính quyền xã Phú An đã lập đề án quy hoạch lại buôn bán và có biện pháp xử lý rác thải tại đây. Bên cạnh đó, Phòng TN&MT huyện Phú Vang cũng đang phối hợp với chính quyền sở tại kêu gọi người dân thực hiện nhiều biện pháp khắc phục nhưng tiến độ vẫn chậm.

Việc ô nhiễm tại khu vực này là nguyên nhân làm cho các loài thủy sản trên Đầm phá Tam Giang dần dần ít đi khi môi trường sống bị xâm hại, dẫn đến khó khăn trong việc khai thác, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Vì vậy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần sớm có biện pháp thích hợp để trả lại sự trong sạch vốn có của Đầm Chuồn.

H.Đội


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Thắng cảnh Đầm Chuồn biến thành… đầm rác