Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tham vọng tái chế toàn bộ bao bì vào năm 2030

Kiều Trinh|18/07/2019 08:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lần đầu, liên minh 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam cùng đồng thuận với mục tiêu tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm vào năm 2030.

Mục đích của dự án nhằm trả lại giá trị cho vật liệu hữu ích nhưng luôn bị coi là rác.

Vòng đời tính theo “giây” của bao bì nhựa

Bao bì thực phẩm trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại

Kín, tiện lợi, nhẹ, dễ mang theo, và không sợ bị rạn nứt – là những ưu điểm mà các bao bì đóng gói đem đến cho khách hàng, giúp ngăn ngừa tình trạng rò rỉ trong quá trình vận chuyển sản phẩm. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ là đựng thực phẩm, có thể tính theo giây, từ một thứ quý giá, bao bì trở thành rác và gây hại tới môi trường sống, đe dọa các loài sinh vật hay thậm chí là phủ kín các đại dương. Trong khi đó, ngành bao bì tại Việt Nam hiện vẫn đi theo mô hình kinh tế tuyến tính, có nghĩa là sản xuất bao bì từ nguyên liệu thô, qua tiêu dùng và sau đó thải ra bãi rác tập trung và có thể là ra cả môi trường sống.

Việc tái chế nhựa có thể mang đến những hiệu quả to lớn, không chỉ về môi trường mà còn cả về kinh tế.

Tính đến năm 2018, đa phần lượng phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam đều đến từ nhập khẩu, trong đó nhựa và giấy phế liệu chiếm lần lượt là 80% và 57% . Trong bối cảnh nhiều nước châu Á, trong đó có cả Việt Nam bắt đầu áp dụng luật hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy (bao gồm cả bao bì), ngành công nghiệp với nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu không còn bền vững nữa.

Thực tế này dẫn đến nhu cầu về một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì để hoạt động sản xuất trong nước đứng vững trước sự biến động giá cả hoặc nguồn cung từ thế giới.

Cú hợp tác “thế kỷ” – Tạo lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam

Trước những thực trạng này, ngày 21/6/2019, một liên minh của 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì ở Việt Nam, gồm Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak, TH Group và Universal Robina Corporation, đã ký kết thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, được viết tắt là PRO Vietnam.

Nổi danh trong lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam, 9 doanh nghiệp trong PRO Vietnam nhận thức rõ sự ảnh hưởng mà bao bì sản phẩm của họ gây ra với môi trường và con người

Bám chắc vào nguyên tắc 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – Tái chế), mục tiêu của PRO Vietnam là góp phần cho một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Bằng cách hợp tác với ngành công nghiệp tái chế chính thức, Liên minh này sẽ tăng lượng thu gom, hỗ trợ những lực lượng thu gom tự phát cùng với việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Để hiện thực hóa mục tiêu “Vào năm 2030 tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế”, PRO Vietnam hoạt động dựa trên bốn trụ cột chính. Thứ nhất, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; Thứ hai, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; Thứ ba, hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế và cuối cùng là hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh “Recycle – Tái chế của bộ nguyên tắc 3R thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện”.

Coca-Cola, một trong 9 doanh nghiệp đầu tiên dựng xây lên PRO Vietnam, cũng đã triển khai một kế hoạch toàn diện mang tên “Thế giới không rác thải”. Cùng với mạng lưới đối tác đóng chai của mình trên phạm vi toàn cầu, công ty nghiêm túc hành động để hiện thực hóa mục tiêu thông qua tái tạo toàn bộ vòng đời bao bì sản phẩm – từ cách thiết kế và chế tạo cho đến các giải pháp tái chế và tái sử dụng chai/lon.

Cụ thể, công ty đang dần thực hiện những thay đổi như từ năm 2018-2019 sử dụng nhựa PET tái chế áp dụng cho 10% nước uống Dasani, giảm trọng lượng bao bì từ 21 gam xuống còn 19.1 gam với chai sản phẩm 390ml. Đúng một thập kỷ trước, Coca-Cola cũng đã trình làng PlantBottle, một loại bao bì có thể tái chế hoàn toàn và được làm từ chất liệu có đến 30% nguồn gốc từ thực vật.

Về phương diện cam kết sản xuất để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Coca-Cola cũng đã giảm tỷ lệ sử dụng nước từ 1,8 lít xuống còn 1,68 lít nước trên 1 lít nước giải khát thành phẩm, giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng từ 0.44MJ xuống còn 0.4MJ trên 1 lít nước giải khát thành phẩm. Vào năm 2016, Coca-Cola cũng khẳng định mình là công ty đầu tiên trong danh sách Fortune 500 trả lại cho tự nhiên và cộng đồng khoảng 115% lượng nước đã sử dụng để sản xuất các loại đồ uống.

Kiều Trinh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tham vọng tái chế toàn bộ bao bì vào năm 2030