Thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế để phòng bệnh bạch hầu

Minh Anh|20/08/2020 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu trên địa bàn nhiều tỉnh thành, Bộ Y tế ban hành Quyết định về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”.

Bạch hầu là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, chủ yếu xuất hiện ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vaccine. Tuy nhiên, hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tiêm vacxin bạch hầu ho gà uốn ván để bảo vệ sức khỏe.

Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng. Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng. Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền.

Đáng lưu ý là sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao. Vi khuẩn bệnh chịu được điều kiện khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhày bảo vệ. Trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối, vi khuẩn bạch hầu có thể sống được 30 ngày; trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi có thể sống được vài ngày; trong sữa, nước uống sống 20 ngày; trong tử thi sống được 14 ngày. Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa học. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn bạch cầu sẽ bị giết chết sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn bạch cầu sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn này dễ bị tiêu diệt bởi các hoá chất khử trùng thông thường.

Để phòng, chống bệnh bạch hầu người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế. Cụ thể, mọi người cần tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh để giảm nguy cơ mắc bạch hầu. Giữ gìn vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, đồng thời đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế để phòng bệnh bạch hầu