Thực hư việc nông sản rớt giá, nông dân đổ rau củ xuống sông Hồng

Thế Đoàn – Trần Đức|01/03/2021 15:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những ngày gần đây xuất hiện thông tin về việc hàng tấn củ cải, cà chua của người nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội không tiêu thụ được phải đi đổ bỏ, thậm chí đổ cả xuống sông Hồng, phóng viên Moitruong.net.vn đã vào cuộc tìm hiểu sự việc.

VIDEO: Thực hư việc nông sản rớt giá, nông dân đổ rau xuống sông Hồng

Theo ghi nhận của phóng viên tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, trên các ruộng rau xuất hiện tình trạng tồn dư nông sản. Một lượng lớn củ cải, cà chua chưa được thu gom mà vứt bừa bãi ngay tại ruộng rau. Những người nông dân ở đây cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các quán ăn, trường học nội thành Hà Nội không tiêu thụ, khiến rau tồn đọng nhiều. Giá củ cải mà Hợp tác xã Đông Cao thu mua của người dân chỉ khoảng 1.000 đồng/1kg, và cà chua là 1.300 đồng/1kg.

Củ cải đã thu hoạch nhưng không tiêu thụ được để thối trên cánh đồng

Gia đình chị Nguyễn Thị Hải – thôn Đông Cao phải vận chuyển hàng tấn củ cải trắng đi đổ vì không tiêu thụ được, mặc dù giá đã “kịch sàn”. “Lứa trước còn thu được 5-6 triệu đồng một sào, nhưng lứa này thì không được bao nhiêu phải đổ bỏ, vậy là hòa, thậm chí còn lỗ. Bây giờ củ cải thu hoạch xong để lâu không bán được, nó già quá phải đem đổ bỏ, bỏ gần chục tấn” – chị Hải chia sẻ.

Cũng cùng cảnh thất thu, phải đem đổ bỏ hàng tấn rau củ mất công, mất sức trồng lên, anh Nguyễn Đức Thơi – nông dân thông Đông Cao cho biết: “Hợp tác xã chỉ thu mua được một phần thôi, còn lại không bán đi đâu được phải đem bỏ để còn trồng loại mới. Nhà tôi mất khoảng mấy sào, củ cải tươi ngon nhưng để lâu quá không bán được phải đem đổ bỏ. Mấy lứa gần đây là lỗ vốn hết”.

Cà chua rụng đầy trên cánh đồng, người dân không biết đổ đi đâu

Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Văn Đua – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều loại nông sản của địa phương bị tồn đọng, không tiêu thụ kịp. Hợp tác xã đã kết nối với các đơn vị, địa phương tiêu thụ hơn 100 tấn nông sản giúp bà con rồi, hiện nay còn khoảng 100 tấn nữa nếu để lâu không tiêu thụ được thì sẽ phải tiêu hủy, không thể bán nông sản kém chất lượng ra thị trường được. Chúng tôi cũng đã đề nghị xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có những chỉ đạo, tháo gỡ việc tồn đọng nông sản để giúp người dân đỡ thiệt hại”.

Có hộ dân thuê xe tải đổ cả tấn rau củ xuống bãi bồi ven sông Hồng

Theo quan sát của phóng viên, trên các ruộng rau ở thôn Đông Cao còn tồn đọng khá nhiều nông sản, có loại vừa thu hoạch tươi ngon nhưng cũng có loại để lâu bốc mùi xú uế rất khó chịu. Đáng nói, có hộ dân đã huy động xe tải đổ hàng tấn rau, củ cải xuống bãi ven sông Hồng. Lý giải về việc này, ông Đua khẳng định: “Hầu hết nông sản đem đi đổ bỏ là loại đã già, xốp, kém chất lượng, không thể đem bán ra thị trường được, sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu rau an toàn. Chúng tôi đã quy định các điểm đổ bỏ nông sản, nhưng vừa qua có một số hộ thiếu ý thức đã đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Có trường hợp người dân đổ trộm rau củ xuống bãi lở sông Hồng thì chúng tôi đã báo cáo xã, công an xã vào cuộc xử lý”.

Ông Đàm Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt khẳng định phần lớn nông sản mà người dân đổ đi là rau củ kém chất lượng, không đưa ra thị trường được

Phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Tráng Việt liên quan đến vấn đề trên, ông Đàm Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay xuất hiện một số thông tin về việc người nông dân thôn Đông Cao phải đổ bỏ rau củ vì không bán được. Thực tế, đối với sản xuất nông nghiệp, bất kì loại rau củ quả nào khi thu hoạch cũng không thể đạt được 100%, có khi bỏ lá, bỏ củ do không đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Khi biết tin có trường hợp người dân đổ trộm rau củ thừa sau thu hoạch đó xuống bãi ven sông Hồng, xã đã yêu cầu Hợp tác xã Đông Cao là đơn vị quản lý trực tiếp đối với vùng sản xuất phải kiểm tra và tập thể Hợp tác xã phải chịu trách nhiệm thuê máy múc, xe vận chuyển để đưa về nơi tiêu hủy theo quy định”.

Để người nông dân không còn cảnh đổ bỏ nông sản, các chuyên gia kiến nghị một số giải pháp như định hướng đầu ra sản phẩm, chế biến sản phẩm mới (đồ khô, đóng túi), kết hợp làm nông nghiệp với du lịch trải nghiệm, tái sử dụng rau củ thừa để làm phân vi sinh,… và quan trọng nhất là vận động người dân cân đối giống phù hợp, tránh tràn lan, khó tiêu thụ.

Thế Đoàn – Trần Đức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư việc nông sản rớt giá, nông dân đổ rau củ xuống sông Hồng