Ẩm thực món gà qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ

30/01/2017 02:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Trong kho tàng văn học dân gian của người Việt, mảng ca dao, tục ngữ, thành ngữ  cổ truyền phản ánh chủ đề về văn hoá ẩm thực những món liên quan đến con gà chiếm một vị trí quan trọng. Nhân xuân Đinh Dậu 2017, xin điểm lại một số câu thông dụng.

* Ăn cơm gà gáy, cất binh nửa ngày: Ăn từ lúc gà mới gáy sáng, vậy mà đến gần hết ngày mới rục rịch động binh hành. Ý chê bai người làm ăn lề mề chậm chạp, gặp việc quan trọng mà không chịu khẩn trương.

* Chó già, gà non: Đây là kinh nghiệm của nghệ thuật ẩm thực, nhắc cho biết nếu ăn thịt chó già sẽ không tanh, còn ăn thịt gà non (tơ) thì mới mềm.

* Cơm gà, cá gỏi: Đây là hai món ăn thịnh soạn tuyệt hảo thường dùng khi đãi khách quý, cũng ám chỉ đến nếp sống phong lưu của giới quyền quý.

* Ếch tháng ba, gà tháng bảy:  Tháng ba (âm lịch) ếch rất béo (bởi vì côn trùng, sâu bọ phát triển mạnh vào mùa này). Tháng bảy (âm lịch) gà cũng béo tốt và thơm ngon vì được ăn nhiều thóc gạo sau vụ chiêm và côn trùng mùa hè.

vector-con-ga-nam-dinh-dau-2017-2688

* Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm: Gà cựa dài là gà già, thịt dai và rắn. Gà cựa ngắn là gà non, thịt mềm.

*Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua; Gà trắng chân chì mua chi giống ấy: Theo kinh nghiệm, gà đen chân trắng dễ nuôi, chóng lớn, khả năng đề kháng bệnh rất tốt. Gà trắng mà chân đen thì lười kiếm ăn, chậm lớn và hay bị toi, không nên nuôi.

* Gà tơ xào với mướp già

Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi

Ra đường chị giễu em cười

Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng

Đêm nằm tưởng cái gối bông

Giật mình gối phải râu chồng nằm bên

Hình ảnh “gà tơ” và “mướp già” có sức gợi tả lớn. Đây là cách sử dụng đồng nghĩa lâm thời rất độc đáo. “Gà tơ” lâm thời chỉ cô gái còn trẻ lại đẹp và đầy sức sống. Một cô gái như thế lại đi lấy “mướp già” – một ông chồng già nua bằng tuổi ông mình. Cô gái xót xa lại càng xót xa hơn khi “Ra đường, chị giễu, em cười”. Rõ ràng, chỉ với hai hình ảnh ẩn dụ “gái tơ” và “mướp già” tác giả dân gian đã bày tỏ cảm xúc của mình một cách mãnh liệt qua từng lời thơ, hình tượng thơ. Bài ca dao tuy chân thật, mộc mạc nhưng lại gợi cho người đọc biết bao cảm xúc.

*Hóc xương gà, sa cành khế:  Xương gà thì cứng và sắc, khi bị hóc sẽ rất khóa lấy ra. Còn cành khế thì thì rất giòn và dễ gãy rất nguy hiểm đối với người trèo.

* Khách đến nhà, không gà thì vịt: Thể hiện sự hiếu khách trọng tình  của chủ nhà.

* Mặt tái như gà cắt tiết: Loài gà nào mồng và mặt cũng đỏ lừ như gấc chín. Thế nhưng, khi bị cắt tiết xong thì mặt mồng đều tái mét, trông rất thảm hại. Câu thành ngữ này ám chỉ đến một nét mặt thất thần do quá sợ hãi. Người mà đã sợ đến mức này thì dù có khôn ngoan  cách mấy cũng không che giấu được ai về sự sa sút tệ hại của mình.

* Tiền trao ra, gà bắt lấy: Việc mua bán, đổi chác luôn sòng phẳng. Tiền có trả xong, người ta mới bắt gà cho. Ý nghĩa  câu này tương tự câu “tiền trao, cháo múc” .

* Con gà cục tác lá chanh;

Con lợn ụt ịt mua hành cho tôi;

Con chó khóc đứng khóc ngồi;

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng: Đây là câu ca dao về kinh nghiệm dạy về cách thức sử dụng gia vị trong nấu nướng cho đúng điệu để món ăn thêm ngon.

Kim Trà


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩm thực món gà qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ