Thuốc trị sâu bệnh từ hỗn hợp hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam

Minh Thư (T/h)|16/04/2019 09:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước – hộ gia đình ông Ngô Duy Hợp tìm ra giải pháp thành công với mô hình trồng rau sạch không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhờ dung dịch củ, quả để phun xua đuổi côn trùng, sâu bọ, tăng cường chất dinh dưỡng cho rau sinh trưởng phát triển tốt.

– Công thức để thành dung dịch trị sâu bệnh là từ các loại củ, quả như: hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam, rau đã hư, dưa hấu… ủ chung với men sinh học E.M.

>>>Xu hướng công nghệ xử lý nước tại Việt Nam đảm bảo an toàn, hiệu quả

>>>Thừa Thiên Huế: Xưởng sản xuất thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường

Tại khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước – hộ gia đình ông Ngô Duy Hợp tìm ra giải pháp thành công với mô hình trồng rau sạch không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhờ dung dịch củ, quả để phun xua đuổi côn trùng, sâu bọ, tăng cường chất dinh dưỡng cho rau sinh trưởng phát triển tốt.

Mô hình nhà lồng khép kín với diện tích khoảng 2.000 m2 của gia đình ông Hợp nhiều người đến thăm vườn rau phải ngỡ ngàng vì sử dụng dung dịch từ củ, quả thối để trị sâu bệnh cũng như cung cấp chất dinh dưỡng cho rau.

Dung dịch trị sâu bệnh là từ các loại củ, quả như: hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam

Qua nhiều năm ấp ủ, tự mày mò nghiên cứu, đầu năm 2014, ông Hợp đã mạnh dạn đầu tư trồng rau sạch với chi phí gần 1 tỷ đồng. Nhà lồng vườn rau được xây dựng dạng màng lưới khép kín hoàn toàn. Theo giải thích của vườn, việc trồng rau trong nhà kính sẽ hạn chế tối đa sự xâm hại của sâu bệnh xâm nhập. Đặc biệt, việc dùng dung dịch củ, quả thối góp phần rất lớn ngan chặn sự xâm hại của sâu bệnh.

Công thức để thành dung dịch trị sâu bệnh là từ các loại củ, quả như: hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam, rau đã hư, dưa hấu… ủ chung với men sinh học E.M. Phương pháp làm là đổ nước vào khoảng 1/2 thùng chứa có nắp đậy (tùy thuộc vào thể tích thùng chứa), sau đó bỏ các loại củ, quả như hành, tỏi, ớt, cam, quýt, dưa hấu… vào thùng rồi đổ chế phẩm lên men sinh học E.M vào.

Sau đó dùng tay đảo đều các loại hỗn hợp này lại, sau khi trộn đều đẩy nắp kín tránh không khí lọt vào. Sau đó ủ với thời gian khoảng 3 đến 5 ngày là có thể vắt thành nước sử dụng để phun.

Sau khi củ, quả thành nước, lấy 50cc hỗn hợp đã lên men hòa trong 20 lít nước để phun 0,1 ha rau. Vườn rau bị sâu bệnh hại tấn công nhiều thì tăng số lượng các số lượng hành, ớt, tỏi, sả, gừng… để có tính khử trùng cao diệt trừ sâu bệnh.

Đặc biệt, mô hình này có thể trồng rau được quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết, giúp rau đạt năng suất cao, đảm bảo rau an toàn tuyệt đối mà dùng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Ngô Duy Hợp chia sẻ: “Nhà lồng này ngăn cản sự xâm nhập của sâu bệnh vào. Nhất là côn trùng gây bệnh hại cho rau qua đường gió thổi. Chế phẩm còn tạo mùi xua đuổi, làm sâu ngán ăn”.

Theo ông Hợp, ngoài dùng dung dịch củ quả, phương pháp chọn giống, phơi rất quan trọng. Phải chọn giống khỏe để cây phát triển tốt, đất phải phơi nắng để giảm bất côn trùng gây hại phát sinh. Ngoài ra, sử dụng phân chuồng phải ủ để giảm phát sinh sâu bệnh. Qua đó, từ việc giảm giảm sâu bệnh sẽ giúp chủ vườn hạn chế dùng thuốc hóa học cho rau.

Trung bình mỗi tuần, ông Hợp phun xịt cho vườn rau từ 1 đến 2 lần. Ông Hợp giải thích, chế phẩm men sinh học E.M là phương pháp sản xuất theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích (vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn và nấm men) sống cộng sinh trong cùng một môi trường có hiệu quả tác động như: bổ sung vi sinh vật cho đất, cải thiện môi trường, tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong đất, tăng năng suất, chất lượng vườn rau, đặc biệt an toàn cho người lao động.

“Mình sản xuất rau an toàn có thể không đẹp, không mượt mà như các loại rau khác. Bởi mình dùng phân bón tự nhiên, không dùng phân hóa học. Rau dùng phân hóa học sẽ tốt, xanh, tăng năng suất, hay úng thối, lượng nitrat cao. Thứ nhất, trong sản xuất rau an toàn, để đảm bảo sạch thì mình không sử dụng thuốc hóa học, thứ hai là phân hóa học cũng hạn chế vừa đủ hoặc dưới ngưỡng thấp nên rau hơi xấu nhưng đảm bảo chất lượng”, ông Hợp chia sẻ thêm.

Nhờ sử dụng phương pháp này, vườn rau của gia đình ông Hợp vừa hạn chế sâu bệnh gây hại, vừa giảm giá thành chi phí sản xuất và nhân công lao động. Bình quân mỗi ngày bán ra thị trường hơn 20 kg rau với giá bán từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg.

Ngoài dùng để xua đuổi hạn chế côn trùng sâu bệnh gây hại, dung dịch còn cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa làm sạch môi trường, tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, bả của dung dịch hỗn hợp củ, quả còn sử dụng làm thức ăn cho cá rất sạch ao.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thiện Lê Hoàng Anh cho biết: Mô hình nhà lồng kín của hội viên nông dân Ngô Duy Hợp là mô hình tiên phong của nông dân địa phương ở đây. Mô hình này cũng hỗ trợ cho địa phương về các mô hình phát triển kinh tế.

Để mô hình rau sạch này phát triển thêm, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để sàng lọc được các sản phẩm tốt để mô hình trồng rau như thế này được phát huy hiệu quả và giúp người nông dân tin tưởng đầu tư thêm mô hình sản xuất.

Với phương pháp chế biến từ phế thải từ hành, tỏi, ớt, gừng… thành dung dịch xua đổ côn trùng gây bệnh đã và đang mang lại cho gia đình ông Hợp vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dung dịch còn ngăn cản sự lột xác của côn trùng cũng như quá trình đẻ trứng, giảm khả năng sinh sản của sâu bệnh gây hại.

Hiện nay, mô hình rau sạch dùng chế phẩm sinh học rất hiệu quả, nhưng điều mà ông Hợp băn khoăn là để phát triển bền vững thì gia đình rất cần sự hỗ trợ thêm của chính quyền địa phương để người dân biết rộng rãi hơn và sử dụng rau sạch nhiều hơn, đảm bảo sức khỏe tốt hơn./.

Minh Thư (T/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc trị sâu bệnh từ hỗn hợp hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam