Tích cực ứng phó biến đổi khí hậu

Theo TTXVN|20/01/2019 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nghiêm trọng nhất từ BĐKH trong vài thập niên tới, nhất là những tác động do nước biển dâng, sự nóng lên toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan… Hiện, có hơn 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và hơn 30% diện tích đồng bằng sông Hồng – Thái Bình có độ cao dưới 2,5 m so với mực nước biển. Đáng lo ngại, do tác động BĐKH và nước biển dâng có thể làm tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, gây xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt; gây rủi ro lớn các công trình xây dựng ven biển như đê biển, đường giao thông, bến cảng, các nhà máy, các đô thị và khu vực dân cư ven biển. Ngoài ra, mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng làm ảnh hưởng các hệ sinh thái biển và ven biển, ảnh hưởng cho các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển tại các địa phương.

– Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH, nhất là hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về BĐKH, nước biển dâng để gắn công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho từng địa phương.

>>> Không khí lạnh mạnh sắp tăng cường xuống Bắc Bộ

>>> Dự báo thời tiết ngày 20/1: Bắc bộ tiếp tục rét đậm, rét hại sáng sớm có sương mù nhẹ

Ảnh minh họa

Theo Cục trưởng BĐKH (Bộ TN và MT) Tăng Thế Cường: Trước những tác động ngày càng khó lường của BĐKH, Bộ TN và MT đã chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài về thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhất là đã đề xuất mô hình chuyển đổi quy mô lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng BĐKH, phát triển bền vững làm mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng khác trên cả nước. Xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu giải pháp về phát triển bền vững khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; lập, chuyển giao bản đồ khu vực có nguy cơ sạt lở khu vực miền núi phía bắc. Bộ TN và MT phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng các mô hình ứng phó BĐKH như: Mô hình cộng đồng ứng phó thiên tai trong điều kiện BĐKH; nuôi trồng thủy sản ven biển ứng phó BĐKH; công trình thí điểm ứng phó BĐKH như nhà đa năng, kênh mương thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn phục vụ tránh lũ, tránh bão. Xây dựng kè và trồng rừng chống cát bay tại các huyện ven biển; công trình đê, đập cục bộ giải quyết tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng gây ngập lụt, góp phần ngọt hóa đất sản xuất nông nghiệp tại các khu vực ven biển…

Đánh giá vấn đề này, Phó Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đinh Vũ Thanh cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bằng việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất, với định hướng căn bản là chuyển mạnh từ phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu chuyển nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường. Phát triển ngành hàng nông sản chủ lực với quy mô quốc gia và liên vùng trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, nhu cầu thị trường và ứng phó BĐKH. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ luôn được thúc đẩy, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch; sản xuất giống lúa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với điều kiện khí hậu… đưa vào sản xuất và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo Thứ trưởng TN và MT Lê Công Thành, để ứng phó BĐKH một cách chủ động, Việt Nam cần thường xuyên cập nhật, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về BĐKH, nước biển dâng để gắn công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng cho từng địa phương trong cả nước. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhân rộng mô hình phát triển bền vững, thích ứng BĐKH cho một số vùng khác đang chịu tác động lớn của BĐKH. Mặt khác, Bộ TN và MT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng BĐKH trên cơ sở thống nhất với các quy hoạch ngành. Tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối liên vùng và tiểu vùng Mê Công, nhất là thực hiện tốt một số dự án cấp bách về phòng chống sạt lở đê sông, đê biển và tạo sinh kế bền vững cho người dân tại các vùng chịu sự tác động của BĐKH gây ra…

Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đề nghị: Bộ TN và MT chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH, vì hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong quá trình xây dựng các văn bản này cần tham khảo ý kiến từ các bộ, ngành có liên quan khác nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về BĐKH, giúp đất nước ta phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực Việt Nam khi tham gia đàm phán quốc tế về BĐKH, để vừa nắm bắt được định hướng chính sách BĐKH quốc tế, vừa bảo vệ cho lợi ích quốc gia, bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực ứng phó biến đổi khí hậu