Tiếp bài “Công ty Hateco…”:  Phó chủ tịch phường khẳng định Hateco đã ‘ngoạm’ vào đất của dân

Vi Hậu|21/07/2017 10:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngoạm” vào đất của dân

(Moitruong.net.vn) – Liên quan đến Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (gọi tắt là Hateco) tự ý san ủi  một phần diện tích đất của hộ dân ngay cả khi đã có biên bản ngăn chặn từ chính quyền địa phương đã được Moitruong.net.vn đăng tải, chúng tôi đã có một buổi làm việc với chính quyền địa phương và nhận được câu trả lời …bất ngờ!

>>>Quận Nam Từ Liêm: Công ty Hateco …’ xé’ biên bản ngăn chặn của chính quyền!?

Sau khi tiếp nhận và phân tích các tài liệu liên quan đến phản ánh của bà  Nguyễn Thị Thanh Huyền – hộ dân có lô đất được cho là nằm trong dự án khu nhà ở Hateco 3 tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, PV đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó chủ tịch phường Xuân Phương. Trước câu hỏi của PV về việc dự án khu nhà ở Hateco 3 tại Xuân Phương do Hateco 3 đảm nhận có hay không việc  không chấp hành biên bản ngăn chặn từ chính quyền đối với hành vi tự ý cưỡng chế đất của người dân, ông Nguyễn Xuân Vinh cho biết: “Trước hết dự án khu nhà ở Hateco 3 do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (gọi tắt là Hateco) đã được triển khai từ 2011. Đây là dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Chúng tôi được biết Hateco 3 đã có giấy phép xây dựng số 638/GPXD –UBND ngày 19/4/1017 của UBND quận Nam Từ Liêm cấp để thi công Dự án này.”

Hateco 3 đã không chấp hành biên bản ngăn chặn và giải tỏa ngoạm vào phần đất của gia đình bà Huyền
Hateco 3 đã không chấp hành biên bản ngăn chặn và giải tỏa “ngoạm” vào phần đất của gia đình bà Huyền.

Liên quan đến việc Hateco 3 tự ý san ủi phần đất của nhà bà Huyền khi chưa có thỏa thuận, ông Vinh cho biết: “Ngày 01/06/2017 chúng tôi có nhận được phản ánh của bà Huyền về việc công ty Hateco 3 tự ý cho máy ủi, máy xúc và san ủi phần diện tích đất của nhà bà Huyền. Chúng tôi đã cử ngay người xuống hiện trường xác minh và ra biên bản ngăn chặn yêu cầu Hateco 3 chấm dứt ngay việc thi công tại vị trí đất mà gia đình bà Huyền đang sử dụng.”

Ông Vinh cũng cho PV biết thêm: “Thực tế chiều ngày 01/06/2017 khi Hateco 3 cử đại diện xuống để đàm phán với gia đình bà Huyền về diện tích đất nằm trong dự án. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán thỏa thuận, khi hai bên chưa đi đến thỏa thuận thì đơn vị Hateco 3 đã cho máy vào san ủi trong đó có dải đất dài khoảng 50 m trồng tre trên đó. Ngay lập tức bà Huyền đã phản đối và không đàm phán nữa.”

Về phía phường sau khi đối chiếu các vị trí cắm mốc mà công ty địa chính do Hateco 3 thuê trên diện tích đang san ủi với trích lục bản đồ có thể khẳng định, Hateco 3 đã thi công giải phóng mặt bằng lạm vào phần đất của bà Huyền có trong sổ đỏ. Tuy nhiên ông Vinh cũng giải thích việc diện tích đất còn lại mà bà Huyền đang tranh chấp vơi Hateco3 là loại đất nào thì chúng tôi đang cho người đo đạc xác minh và có câu trả lời sớm nhất.

Không thỏa thuận được…khó thi công dự án

Cũng liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp tại các dự án thương mại có thỏa thuận, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Nguyễn Tất Thắng (đoàn luật sư Hà Nội) và được ông cho biết: Hiện nay, Nhà nước cũng đã quy định cơ chế tự thỏa thuận giá bồi thường khi thu hồi đất giữa doanh nghiệp với người có đất bị thu hồi. Theo đó Dự án xây dựng khu dân cư mà doanh nghiệp đầu tư không phải Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất và chủ đầu tư thỏa thuận với nhau về hình thức chuyển đổi và mức đền bù. Cụ thể, ngoài những dự án quy định tại điều 61 và điều 62 Luật đất đai 2013 thì những dự án khác đã được phê duyệt sẽ do chủ đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người dân thông qua các hình thức quy định tại điều 73 Luật đất đai 2013. “Điều 73: Sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Dự án khu nhà ở Hateco3 là dự án thỏa thuận đền bù cho người dân ( hình ảnh mang tính minh họa)
Dự án khu nhà ở Hateco3 là dự án thỏa thuận đền bù cho người dân ( hình ảnh mang tính minh họa)

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Trường hợp này người có đất nằm trong diện quy hoạch có thể thỏa thuận trực tiếp với chủ đầu tư về giá đất bồi thường.

Luật sư Thắng còn chia sẻ thêm, trước đây khi thỏa thuận được với 70-80% nhóm cư dân mất đất là được, số còn lại không đồng ý thì lại vào thu hồi, cưỡng chế. Việc đó cũng tạo ra bức xúc của người dân. Bây giờ luật sửa đổi xác định rõ, nếu đã xác định là dự án vì lợi ích côn cộng thì phải đưa ra HĐND, được HĐND thông qua thì mới được thu hồi đất, còn lại những dự án thuần túy là dân sự sẽ hoàn toàn do thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân. Dĩ nhiên, các nhà đầu tư có thể gặp phải rủi ro là chỉ thỏa thuận được 90% người dân chẳng hạn. Nhưng đó là yêu cầu để các nhà đầu tư ngày càng phải đưa việc đầu tư vào quy chuẩn, phải chuẩn bị thật đầy đủ các điều kiện rồi mới quyết định đầu tư, chứ không phải dở ra làm rồi lại ngã ngửa than “chết rồi” vì không thỏa thuận được. Đây là yêu cầu bắt buộc các nhà đầu tư phải tính toán hết sức chuyên nghiệp, chắc chắn.

Việc đó cũng đòi hỏi người lãnh đạo ở địa phương phải tư duy rất rõ ràng, đâu là dự án vì công cộng, đâu là dự án thương mại để gắn trách nhiệm vào. Đã là dự án thương mại thì kể cả đã thỏa thuận được 95% mà không xong thì vẫn phải chịu, phải chấp nhận điều đó.

Tạp chí điện tử Moitrong.net.vn đang chờ sự phản hồi từ Hateco3 và tiếp tục thông tin về sự vụ này.

Vi Hậu


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài “Công ty Hateco…”:  Phó chủ tịch phường khẳng định Hateco đã ‘ngoạm’ vào đất của dân