Tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí

Theo Nhân dân|09/11/2018 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự báo vào năm 2020, lượng phương tiện tăng lên khoảng chín triệu xe máy và gần 800 nghìn ô-tô. Đáng chú ý là trong số này có hàng triệu xe gắn máy (nhất là xe đã quá hạn sử dụng, xe tự chế) cùng với các loại ô-tô, xe tải lưu thông thải khí độc và gây bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Các loại xe cơ giới lưu thông chủ yếu theo các trục đường chính của khu vực nội thành đã làm cho nồng độ ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng hơn trên các tuyến giao thông chính, ảnh hưởng sức khỏe người dân bởi vì khí thải phát ra ở tầm thấp, tập trung trong khu vực đông dân cư.

– Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông, vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố có gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, lượng xe máy chiếm 95%, tiêu thụ 56% lượng xăng, thải ra 94% khí HC, 87% khí CO và 57% khí NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới, là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.

>>> Phú Quốc: Rác thải ngập tràn vì không có nhà máy xử lý rác

>>>Báo động ô nhiễm không khí trầm trọng ở Ấn Độ

Ảnh minh họa

Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố, tại khu vực An Sương (quận 12), Phú Lâm (quận 6), Cát Lái (quận 2), Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) và quận Gò Vấp, nồng độ khí CO, CO2, NO2, hạt bụi lơ lửng (PM10) có xu hướng tăng và cao nhất trong 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn. Phân tích về tính độc hại của khí thải giao thông, Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh, cho biết: Khí CO là một trong những khí độc có trong không khí ô nhiễm, có độc tính cao với sức khỏe con người. Nếu hít phải một lượng lớn khí CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm lượng ô-xy trong máu, thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Mặt khác, ô nhiễm môi trường không khí tác động lên hệ hô hấp gây ra một số bệnh như: tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, hen suyễn, ung thư phổi.

Thêm vào đó, nguồn gây ô nhiễm không khí của thành phố còn là từ hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp nằm ở khu vực ngoại thành hoặc nằm ngay trong nội thành như: các KCN Tân Bình, KCX Tân Thuận, Linh Trung , các Nhà máy Xi-măng Hà Tiên, Nhà máy Thép Thủ Đức… và rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, khói bụi. Cụ thể, như trong số 170 trường hợp nhà máy, cơ sở sản xuất phát sinh khí thải ra môi trường hiện còn tới 81 doanh nghiệp chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người dân sinh sống chung quanh. Điển hình như hàng loạt nhà máy công nghiệp sản xuất mì ăn liền, dầu thực vật, hóa chất, dệt nhuộm… nằm dọc bờ kênh Tham Lương (quận Tân Bình) thường xuyên thải khói bụi độc hại vào không khí mỗi ngày đến nay vẫn chưa di dời.

Để ngăn chặn và giảm ô nhiễm không khí do khí thải, nhất là tình trạng ô nhiễm chì trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố tăng cường công tác quan trắc không khí ở nhiều địa điểm khác trong thành phố để kịp thời phát hiện chất lượng không khí mỗi ngày. Phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các hành vi cố tình vi phạm các quy định bảo vệ môi trường về khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nhất là xử phạt nghiêm những cơ sở cố tình kéo dài, không trang bị hệ thống xử lý khí thải trong quá trình sản xuất, kiên quyết đình chỉ hoạt động sản xuất những cơ sở vi phạm, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí. Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp lực lượng quản lý thị trường tìm ra các biện pháp hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn tình trạng lén lút tiêu thụ xăng pha chì trên thị trường bất chấp quy định của Nhà nước cấm sử dụng; phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, ngành giao thông vận tải tổ chức đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả khí thải của các loại xe tải lưu thông vào các khu vực nội thành, ở các giao lộ, các tuyến đường chính của thành phố…

Thời gian qua, sương mù dày đặc bao phủ cả thành phố đến tận trưa. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do không khí ô nhiễm cho nên xảy ra hiện tượng mù khô. Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân khi ra đường nên mang khẩu trang; nhất là trẻ em, sức đề kháng yếu sẽ dễ bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp.

Theo Phó Giám đốc Sở TN và MT thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ, trong chương trình giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đề ra chỉ tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông, vận tải. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chưa đạt được so với mục tiêu đề ra. Sở Giao thông vận tải thành phố đã triển khai đề án đầu tư thay thế 1.680 xe buýt sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Đồng thời phối hợp Sở TN và MT đề xuất xây dựng lộ trình kiểm soát, quản lý khí thải của các phương tiện để phù hợp các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Nếu được UBND thành phố thông qua, sẽ thuê tư vấn xây dựng lộ trình để triển khai trong năm 2019. “Sở sẽ phối hợp các cơ quan đăng kiểm xây dựng mạng lưới kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới. Đặc biệt, những xe máy cũ gây ô nhiễm môi trường sẽ bị thu hồi. Ngoài ra, Sở sẽ xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Theo Nhân dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí