Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Người dân sống khổ nơi nguồn nước ngầm nhiễm mặn

Nguyễn Chung/Đại Đoàn Kết|05/09/2018 10:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hơn 10 năm trở lại đây, hơn 5.000 người dân tại các thôn thuộc xã Hải Châu (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Nguồn nước ngầm nhiễm mặn, nhiễm phèn đã đẩy đời sống của bà con vào tình cảnh hết sức khó khăn. Bệnh tật phát sinh, đất đai không thể canh tác…

Muối đóng dày đáy bể nước sinh hoạt của người dân.

Người dân khốn khổ vì nước sinh hoạt nhiễm mặn

Thống kê của UBND xã Hải Châu cho thấy toàn xã có hơn 50% số dân trong tổng số 11.000 người người, hàng ngày đang sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, 32/905 ha đất canh tác bị bỏ hoang do nhiễm mặn. Trong đó có 5/10 thôn là thôn Yên Châu, Nam Châu, Liên Thành, Liên Hải, Thanh Đông có vị trí địa lý giáp với biển hoặc sát bên cánh đồng muối, khu vực nuôi tôm có nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng nhất.

Ông Vũ Khắc Cả- người thôn Yên Châu, xã Hải Châu nói: “Đã hơn 10 năm nay chúng tôi đang phải hằng ngày sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, phèn nghiêm trọng. Nguồn nước từ giếng khoan của gia đình hiện tại không thể sử dụng cho ăn uống được nữa mà chỉ dùng để thau dọn chuồng trại, bỏ vôi bột vào lắng cho gia súc, gia cầm uống. Hàng ngày, để có nước sinh hoạt gia đình phải đi xin từ những hộ gia đình khác cách đó hàng km”.

Ông Phạm Công Nhiên (cũng ở thôn Yên Châu) nói: “Gia đình tôi phải đầu tư xây bể lắng nước mưa hết 5 triệu đồng nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, vì nhà có 6 khẩu nên lượng nước sử dụng rất lớn. Mà có phải lúc nào cũng có mưa đâu mà dự trữ nước nên tôi lại đầu tư thêm 3 triệu đồng để khoan giếng sâu tới 70m, nhưng cũng chẳng thể sử dụng được vì nước ngầm cũng bị nhiễm mặn nên đành mua thêm máy lọc nước về lọc lấy nước dùng cho ăn, uống để phần nào giảm đi công sức chạy đi xin nước từ những hộ khác”.

Chưa hết, ông Nhiên nói thêm: Do xã Hải Châu giáp với biển và có nghề làm muối từ lâu đời kết hợp với hàng trăm ha nuôi tôm của người dân ở phía ngoài đê xả trực tiếp nước ra kênh, mương nên tình trạng nước ngầm bị nhiễm mặn ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

“Biết là không tốt cho sức khỏe nhưng do không thể làm khác, hàng ngày chúng tôi vẫn phải sử dụng để tắm rửa, giặt quần áo, mà cứ mỗi khi tắm rửa, giặt đồ xong là da khô rát, quần áo mặc rất khó chịu, ngứa ngáy. Hiện trong mấy thôn có nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn đã có gần chục người bị ung thư, bệnh viêm đường ruột rồi khiến chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm xây dựng đường ống cấp nước sạch để chúng tôi sử dụng cho yên tâm hơn”- ông Nhiên nói.

Cách thôn Liên Thành vài trăm mét là thôn Liên Hải cũng có số lượng giếng khoan bị nhiễm mặn đến 80-90%. Anh Nguyễn Đình Trung, thôn Liên Hải chỉ về chiếc xe máy của gia đình đã bị rỉ sét cho biết: “Xe tôi mua mới được 3 năm thôi nhưng mà rỉ hết rồi. Hồi trước khi nước chưa bị nhiễm mặn thì tuần nào tôi cũng sử dụng để rửa xe, nhưng hiện nay cứ cách mươi ngày nửa tháng tôi mới dùng nước máy bơm của gia đình để rửa xe một lần nhưng mà xe vẫn rỉ sét rất nhanh. Không những thế, đồ gia dụng chậu thau và đồ dùng bằng kim loại trong nhà cũng bị rỉ vàng cả rồi. Nếu tình trạng nước giếng khoan cứ bị nhiễm mặn ngày một trầm trọng hơn thì dân chúng tôi cũng chẳng biết phải xử lý như thế nào”.

Theo nhiều hộ dân, tình trạng nước nhiễm mặn, có màu vàng xuất hiện cách đây hơn chục năm về trước. Ban đầu nước chỉ hơi mặn nhưng càng về sau, nước trở nên mặn chát, ngả màu vàng đậm, mùi hôi khó chịu. Nước mặn khiến cho nhiều dụng cụ, máy móc chất liệu bằng kim loại bị rỉ sét, hư hỏng, nhiều cây cối khi tưới loại nước giếng khoan này bị rụng lá và chết khô. Đến xã Hải Châu những ngày này, khắp các con đường, ngõ xóm đâu đâu cũng thấy người dân lỉnh kỉnh xô, chậu, can nhựa đèo trên những chiếc xe máy, xe đạp đã hoen rỉ đi xin nước sạch về dùng cho sinh hoạt.

Không những các thôn gần biển có nước ngầm bị nhiễm mặn mà một số hộ dân ở các thôn còn lại cũng rất hoang mang vì nguồn nước ngầm của họ cũng có dấu hiệu bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Hiện tượng nước ngầm bị nhiễm mặn đang có dấu hiệu lây lan theo mạch nước tới những khu dân cư không bị ô nhiễm một cách nhanh chóng.

Tìm hiểu thêm về nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước, được biết nguyên nhân chính khiến nguồn nước ngầm tại xã Hải Châu bị nhiễm mặn với tốc độ khá nhanh là do trong hơn chục năm trở lại đây phong trào nuôi tôm, cá nước mặn ồ ạt nhưng không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường, kết hợp với nghề sản xuất muối lâu năm của địa phương cứ khiến cho nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn và hiện đang ở tình trạng đáng báo động.

Đợi đến bao giờ?

Được biết, do nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt của các hộ dân bị ô nhiễm nên hàng nghìn hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Hải Châu để xây dựng hệ thống đường ống nước sạch cung cấp đến từng hộ dân. Tuy nhiên, các kiến nghị trên vẫn rơi vào im lặng và đến nay nhu cầu về nước sạch của họ vẫn chưa được đáp ứng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Duy Tân- Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết: Hiện trạng hàng nghìn người dân tại địa phương đang hằng ngày sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn đã có từ hơn 10 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là sự xâm thực của biển vào đất liền kết hợp với nghề làm muối và nuôi tôm công nghiệp khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt của người dân đã ở mức cảnh báo.

“Đã hơn 10 năm qua, trong những lần tiếp xúc cử tri của xã Hải Châu với huyện Tĩnh Gia và các đoàn từ Trung ương, thì lần nào chúng tôi cũng kiến nghị và có văn bản gửi lên cấp trên, mong cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ. Thế nhưng cũng kể từ đó đến nay, dù có hai đoàn là Sở TNMT và Sở NNPTNT về địa phương khảo sát nhưng cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Kinh phí của địa phương để đầu tư hệ thống nước sạch thì không có, chúng tôi chỉ còn biết làm đơn kiến nghị rồi… đợi”- ông Tân nói trong sự lo lắng xen lẫn bất lực.

TheoNguyễn Chung/Đại Đoàn Kết


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Người dân sống khổ nơi nguồn nước ngầm nhiễm mặn