TP. HCM bãi bỏ HĐND ở cấp quận, phường

Hoàng Nhân|16/11/2020 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 16/11, với 420/428 đại biểu bấm nút tán thành (87,14%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Trong đó có việc không tổ chức HĐND quận, phường.

Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, chính quyền địa phương ở TP.HCM gồm HĐND và UBND. Thường trực HĐND thành phố gồm chủ tịch HĐND, 2 phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; phó chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua quyết nghị ở quận và phường tại TP.HCM sẽ không có HĐND mà chỉ có UBND. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tức có cả HĐND và UBND).

Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận.

UBND phường gồm chủ tịch, không quá 2 phó chủ tịch và các công chức khác của UBND phường.

HĐND và UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021. Kể từ ngày 1/7/2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại nghị quyết này.

Với 420/428 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Quốc hội.

Cũng từ 1/7/2021, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước thời điểm này được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác. Trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới, công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm theo quy định của Chính phủ.

Theo nghị quyết, HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát việc tuân theo hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, TAND quận, VKSND quận.

HĐND thành phố cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND thành phố đề nghị chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Ngoài quyền chất vấn các chức danh cấp TP được HĐND bầu, đại biểu HĐND thành phố có quyền chất vấn chủ tịch UBND quận, chánh án TAND quận, viện trưởng VKSND quận.

Nghị quyết của Quốc hội cũng trao cho chủ tịch UBND thành phố quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận.

Khi chính quyền đô thị được tổ chức, UBND quận, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường. Theo giải thích của chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết lẽ ra phải gọi là Ủy ban hành chính quận/phường, nhưng hiện nay nếu thay đổi tên gọi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giấy tờ, thủ tục nên tạm để tên gọi như cũ.

Nghị quyết cũng cho phép TP.HCM thành lập thành phố trong thành phố với mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh, có tổ chức HĐND.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Hoàng Nhân

Bài liên quan
  • Nghiên cứu thử nghiệm mô hình kinh tế đêm vào cuối năm 2020 tại Hà Nội
    Moitruong.net.vn – UBND TP sẽ nghiên cứu chính sách thực hiện một số mô hình thử nghiệm dạng sandbox như: kinh tế đêm, cải tạo nhà chung cư cũ. Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thành phố Hà Nội xây dựng đề án huy động nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM bãi bỏ HĐND ở cấp quận, phường