TP HCM : Nan giải chuyện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Theo TTXVN|16/12/2016 09:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều nan giải, cần có những giải pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy đã triển khai nhiều giải pháp và nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, nhưng hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều nan giải, cần có những giải pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chất thải rắn sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh từ các nguồn gồm khu dân cư, khu vực cơ quan, khu thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu vực sản xuất, cơ sở y tế, khu vực công cộng với khối lượng trung bình khoảng 7.500 tấn/ngày, tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 5%. Kinh phí đầu tư và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom, xử lý chưa theo kịp tốc độ gia tăng chất thải rắn.

Công tác vệ sinh đô thị hiện được giao cho 25 đơn vị công lập thực hiện nhưng chưa có sự đồng nhất do cơ chế quản lý, thanh toán ở mỗi đơn vị khác nhau. Khoảng 60% tổng khối lượng rác thải được thực hiện bởi các đơn vị thu gom rác dân lập và trực tiếp thu phí từ hộ dân.

chat-thai-sinh-hoat

Chất thải rắn sinh hoạt ở TP HCM ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường

Toàn thành phố có khoảng 200 xe tải và 1.000 xe ba bánh, xe 4 bánh tự chế thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển rác ở một số nơi chủ yếu được thực hiện bằng các xe đẩy tay cồng kềnh, lạc hậu.

Các điểm tập kết xe thu gom gần mặt đường, đầu hẻm, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị. Hơn nữa, các xe này không có nắp đậy nên phát tán mùi hôi và làm rơi vãi nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường. Công tác thu gom tại nguồn và thời gian vận chuyển không đồng bộ dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải tại trạm trung chuyển.

Trước những tồn tại này, Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện đổi mới phương thức, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo ông Võ Văn Dũng, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích quận Tân Bình: Phần lớn việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn do các đơn vị thu gom rác thải dân lập thực hiện.

Nếu đầu tư trang thiết bị hiện đại, kinh phí cao thì các đơn vị này gặp khó khăn về vốn. Vì vậy cần tập trung thiết kế, sản xuất những phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa phù hợp với nguồn kinh phí của đơn vị thu gom dân lập.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Phan Bích Thủy – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 4 cho rằng: Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay là các đơn vị thu gom dân lập treo móc trên phương tiện các loại rác thải có thể tái chế.

Để hạn chế tình trạng này, cần thiết kế phương tiện thu gom mới có nơi chứa tạm thời rác thải tái chế. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường nên có lộ trình phù hợp cho các phương tiện thu gom rác thải và không mở thêm điểm trung chuyển để giảm tình trạng ô nhiễm do rác thải bị ứ đọng.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh đề xuất, khi lựa chọn và sử dụng các phương tiện mới trong thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo kết nối được với phương tiện cũ đang vận hành (xe rác lớn 6 – 10 tấn, thùng rác loại 240 lít, 660 lít).

Có thể cải tiến các phương tiện cũ như gắn thùng rác loại 240 lít, 660 lít vào xe gắn máy, có thiết kế phù hợp để được phép sử dụng trên đường phố và khu dân cư, thực hiện thu gom rác ở những đường hẻm nhỏ hẹp.

Nhằm đổi mới phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt, ông Trương Văn Tấn – Phó Giám đốc Xí nghiệp cơ khí ô tô chuyên dụng An Lạc (thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn), đề xuất sử dụng xe ép chở rác 800 kg thay thế hoàn toàn xe lam, xe ba bánh hiện nay. Xe ép chở rác 800 kg là một trong những phương tiện được Xí nghiệp cơ khí ô tô chuyên dụng An Lạc thiết kế dựa trên điều kiện thực tiễn của thành phố trong việc thu gom, vận chuyển rác.

Đặc điểm của xe này là có kích thước nhỏ gọn, có thể hoạt động trong các khu dân cư, các hẻm nhỏ, thực hiện thu gom rác trực tiếp tại hộ dân, không bị cấm lưu thông vào giờ cao điểm. Xe được trang bị cơ cấu ép rác, xả rác hoạt động bằng thủy lực, thiết bị ép rác được thiết kế vừa là cửa đóng thùng chứa rác giúp ngăn phát tán mùi hôi khi xe di chuyển, trong xe có lắp đặt thiết bị chứa nước rỉ rác.

Ông Trương Văn Tấn còn đề xuất sử dụng xe ép chở rác loại 1,2 – 1,8 tấn và loại 2,2 – 6 tấn. Ưu điểm của hai loại xe này so với các xe thu gom rác thải đang sử dụng là đảm bảo vệ sinh môi trường nhờ kết cấu nắp đậy làm kín, ngăn mùi hôi và nước rỉ rác thoát ra ngoài, xe vừa vận chuyển vừa ép rác nên thu gom được nhiều rác hơn.

Các xe này được trang bị 2 chân chống thủy lực, nắp phía sau được thiết kế trên cao nên có thể đổ rác trực tiếp vào thùng của xe rác loại 8 – 10 tấn đang sử dụng nên sẽ hạn chế được rác thải rơi vãi ra ngoài khi sang chuyển rác.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở đang thống kê số lượng và tình hình hoạt động của các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt dân lập trên địa bàn, kết hợp với việc tính toán hiệu quả kinh tế khi sử dụng phương tiện mới, từ đó đưa ra đề án đổi mới phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có tính khả thi, bao gồm cải tiến, đổi mới phương tiện, địa điểm tập trung vệ sinh phương tiện sau thu gom cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị đầu tư phương tiện mới, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP HCM : Nan giải chuyện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt