TP.Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình chống ngập

Nam Anh|13/05/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện TP.HCM vẫn còn 15 điểm ngập khi mưa vẫn chưa khắc phục được. Do đó, mỗi mùa mưa đến, người dân lại phập phồng lo ngập.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, năm nay, mùa mưa ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đến sớm hơn năm trước gần 3 tuần.

Nhiều hộ dân tại phường 14, Quận 8 (TP.HCM) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận mưa to kéo dài nhiều giờ vào chiều 6/5 gây ngập hàng chục tuyến đường, tuyến hẻm như đường Cây Sung, đường Bến Bình Đông, đường Ngô Sỹ Liên, đường Hoàng Sỹ Khải, đường Hoài Thanh…

Mưa kèm gió mạnh còn khiến nhiều nhà dân bị gió cuốn tốc mái, đứt dây diện, lực lượng chức năng phải mất nhiều giờ để thu dọn, sửa chữa.

Theo các hộ dân, năm nay mùa mưa đến quá sớm, mưa đầu mùa nhưng lại to và dai dẳng khiến người dân chưa kịp chuẩn bị dựng cửa chắn nước, gia cố mái tôn.

Tuy khu vực phường 14, Quận 8 không phải “rốn ngập” của Thành phố nhưng gặp mưa quá to vẫn ngập nước. Những năm gần đây, tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng hơn nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Trước đó, hàng loạt các cơn mưa trái mùa rải rác từ ngày 16-28/4 đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập dù lượng mưa không lớn.

Có thể kể đến các tuyến đường Kha Vạn Cân, Quốc Hương, Tô Ngọc Vân (Thành phố Thủ Đức), Bình Lợi (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12)… Trong đó, đường Tô Ngọc Vân (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức) bị ngập nặng nhất, có đoạn ngập quá nửa bánh xe.

Các cơn mưa thường xuất hiện vào giờ tan tầm gây ùn tắc giao thông, hàng loạt xe chết máy, người dân “bì bõm” di chuyển về nhà.

Để đáp ứng mong muốn của người dân, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông – Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa nhiều công trình chống ngập hoàn thành đúng thời hạn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM đã tập trung nguồn lực để triển khai các dự án chống ngập theo Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008. Trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng như: Dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam – Bắc rạch Tra); dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; dự án 5 cống ngăn triều trên địa bàn quận Thủ Đức; dự án cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè; dự án nâng cấp công trình thủy lợi An Phú – Phú Mỹ Hưng và dự án đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

Ngập nước tại TPHCM vẫn là vấn đề nan giải

Tuy nhiên, theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông – Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết bên cạnh những dự án hoàn thành đúng hạn, vẫn còn rất nhiều dự án đang gặp khó khăn trong tiến độ thực hiện vì nhiều nguyên do.

Đơn cử như nhóm 3 dự án cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giải quyết 4 điểm ngập trên các đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân và Bàu Cát dự kiến khởi công từ quý 3/2020 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai dù đã đấu thầu xây lắp vì đã quá thời gian thực hiện.

Các đơn vị liên quan đang phối điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ tiến hành khởi công trong nửa cuối năm 2021.

Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia đô thị-môi trường, nhận định TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do vậy, Thành phố có nhu cầu rất cấp thiết về các dự án, công trình chống ngập đạt hiệu quả cao.

Để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập trước tình trạng trì trệ như hiện tại, theo ông Lê Huy Bá, Thành phố cần tháo gỡ được những vấn đề khó khăn về nguồn lực và quan tâm tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao.

Muốn làm được những điều này, nhất định phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia.

Tiến sỹ Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường,Trường Đại học Thủy Lợi, cho rằng TP.HCM vốn có sẵn nhiều hồ chứa nước dung tích khá lớn trong các công viên như hồ ở công viên Lê Thị Riêng, Kỳ Hòa (Quận 10), hồ Khu Du lịch Đầm Sen (Quận 11), hồ Văn Thánh (quận Bình Thạnh)…

Nếu việc xây dựng hồ điều tiết gặp khó khăn, có thể tận dụng hệ thống các hồ này để phục vụ chống ngập thay vì chỉ để tạo cảnh quan khá lãng phí như hiện nay.

Muốn làm được việc này, Thành phố phải có mô hình quản lý hồ công cộng để kết nối các hồ với hệ thống cống bên ngoài bằng van điều tiết nhằm thu nước mưa chống ngập cho khu vực xung quanh, sau đó mới tiến hành lọc lại nước hồ nếu nước quá bẩn.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết trong quý 2/2021, Thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để đưa các dự án đang bị đình trệ sớm khởi công và thi công trở lại.

Nam Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình chống ngập