TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt

Huyền Nhung (T/h)|01/10/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TP.HCM dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt theo lộ trình từng năm. Sớm nhất giá nước sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 vào cuối năm 2019.

Sở Tài chính TP.HCM vừa có tờ trình báo cáo UBND TP.HCM về dự thảo quyết định ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP lộ trình 2019-2022, sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.

Theo đó, giá nước năm 2019 sẽ tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 đối với hộ dân cư; riêng hộ nghèo và cận nghèo vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3.

Năm 2020, giá nước bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2021 là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2022 là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cấp nước bằng xe bồn cho các khu vực thiếu nước – Ảnh: Q.Khải

Giá này chưa bao gồm thuế GTGT và áp dụng cho định mức sử dụng đến 4m3/người/tháng. Đối với định mức từ 4-6m3/người/tháng và trên 6m3/người/tháng sẽ có mức giá cao hơn.

Đối tượng gồm các hộ dân cư sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; các khu dân cư, chung cư, khu lưu trú công nhân, các cư xá, ký túc xá; các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh – cai nghiện thuộc Sở LĐ-TB&XH, thuộc Lực lượng TNXP TP sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn TP.

Định mức sử dụng nước sạch được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn căn cứ theo sổ hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước.

Trường hợp nhiều hộ gia đình sử dụng chung một đồng hồ nước thì tính định mức các nhân khẩu sử dụng chung cho khách hàng đúng tên thuê bao đồng hồ nước.

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (không có hộ khẩu thường trú tại TP) có thời hạn hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy xác nhận tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, được tính định mức như nhân khẩu thường trú.

Đối với việc quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác, Sở Tài chính cho biết thẩm quyền thuộc SAWACO.

SAWACO sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019-2022 đã được UBND TP phê duyệt.

Huyền Nhung (T/h)

Bài liên quan
  • Cải thiện chất lượng nước sinh hoạt tại 30 vùng khó khăn
    Moitruong.net.vn – Ngày 27-9, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong họp báo công bố chương trình “Cải thiện chất lượng nước sinh hoạt cho vùng khó khăn” nhằm hỗ trợ các huyện nghèo, các vùng khó khăn cải thiện chất lượng nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt