TP Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai

Thanh Tú|12/10/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND TP Hồ Chí Minh có kế hoạch đến năm 2030, khoảng 90% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm 50% thiệt hại do thiên tai gây ra so với giai đoạn 2011-2020. Trong đó, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, sạt lở bờ sông, ngập lụt.

Đồng thời, tổ chức, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại.

TP.HCM đang đối mặt với bài toán thiên tai, triều cường

Mặt khác, phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết. 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực. 100% cơ quan chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai cấp Thành phố và cấp quận – huyện hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai. 90% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát. 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Trong đó, đẩy mạnh thông tin truyền thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả truyền thông trong phòng, chống thiên tai; kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ, phù hợp với từng đối tượng để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, rủi ro thiên tai tới người dân, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương. Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương, chú trọng sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong việc lập kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cấp xã.

Mặt khác, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai như tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai. Cập nhật và số hóa dữ liệu ngành khí tượng thủy văn, chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn với các cơ quan liên quan. Nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến, ưu tiên công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo dông sét, sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần.

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội.

Thanh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai