TP Hồ Chí Minh tăng quy mô diện tích cây xanh

Ngọc Anh (T/h)|07/04/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cây xanh không chỉ góp phần đáng kể trong việc nâng cao sức khỏe của người dân thành phố mà còn giúp môi trường sống đô thị phát triển một cách bền vững.

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 do Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06.01.2010, tổng diện tích cây xanh theo quy hoạch được duyệt trên toàn thành phố khoảng 6.259ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3m2/người, trong khi thực tế hiện nay, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố chỉ đạt mức bình quân là 1,6m2/người(*), khá thấp so với tiêu chuẩn chung của một thành phố hiện đại – văn minh và còn thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt.

Qua khảo sát, nghiên cứu thực tế cho thấy, các khu công viên cây xanh (CVCX) công cộng của thành phố được quy hoạch nhưng chưa thực hiện, hầu hết là những khu đất trống rậm rạp, ẩm thấp, ao hồ… không thể tiếp cận sử dụng hoặc đất trống xen cài với các công trình xây dựng (như nhà ở xây dựng không phép, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi cần phải di dời, đất hành lang ven sông, kênh, rạch…), thuộc quyền sử dụng của người dân hoặc các tổ chức kinh doanh, một số ít là đất công thuộc quyền sử dụng của nhà nước có phạm vi trên toàn thành phố, nằm rải rác khắp nơi, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, quận 7, quận 9, Thủ Đức…

Chẳng hạn, khu CVCX 100ha ở phường Thạnh Xuân, quận 12; ba khu CVCX có tổng diện tích hơn 23ha phường An Phú Đông, quận 12; khu công viên mũi Đèn Đỏ khoảng 100ha phường Phú Thuận, quận 7; khu công viên mũi Hương Tràm khoảng 20ha phường Tân Thuận Tây, quận 7.

Việc thực hiện và quản lý khai thác quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng tập trung quy mô lớn (cấp đơn vị ở, cấp khu ở, cấp khu đô thị) đều “chờ” nguồn ngân sách của thành phố. Nhưng thành phố lại cần dành ngân sách cho các nhu cầu cấp bách hơn như: đường giao thông, thiếu trường học – bệnh viện, thiếu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội thiết yếu… Vì vậy, việc đầu tư CVCX phải gác lại và nằm trên giấy trong nhiều năm qua.

Dự án khu công viên mũi Đèn Đỏ P. Phú Thuận, Q.7.

Tình trạng này đã đến lúc phải được giải quyết nếu chúng ta muốn hướng đến một thành phố thông minh, văn minh và hiện đại. Cần có giải pháp để tăng diện tích cây xanh cho thành phố tương ứng với tốc độ tăng dân số và tốc độ đô thị hóa. Thành phố đã và đang thiếu vốn để thực hiện các quy hoạch CVCX tập trung (cấp đô thị, khu ở, đơn vị ở) hay nói cách khác thành phố đang thiếu giải pháp để tạo vốn, tạo động lực để thực hiện CVCX theo quy hoạch. Cần có giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư thực hiện, quản lý khai thác CVCX một cách hiệu quả và khả thi. Có ba nhóm giải pháp có thể xem xét để phối hợp thực hiện như sau:

Thứ nhất là giải pháp không thay đổi diện tích cây xanh quy hoạch. Đây là giải pháp lý tưởng nhưng đòi hỏi quyết tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện quy hoạch cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn bức xúc của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố trong quản lý quy hoạch xây dựng.

Giải pháp thứ hai là điều chỉnh giảm tạm thời hoặc lâu dài một phần diện tích cây xanh quy hoạch. Để giảm tạm thời một phần diện tích cây xanh quy hoạch, thành phố cần chủ động đề xuất Bộ Xây dựng trình Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch giảm tạm thời khoảng 50% diện tích các khu CVCX – TDTT tập trung phục vụ công cộng (cấp đô thị, cấp khu ở, cấp đơn vị ở) để chuyển thành các khu thương mại – dịch vụ phức hợp cao tầng (văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, bãi đậu xe…) kết hợp khu CVCX – TDTT tập trung.

Giải pháp thứ ba là giảm một phần diện tích cây xanh quy hoạch. Thành phố cần đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch giảm khoảng 30% diện tích các khu CVCX – TDTT tập trung phục vụ công cộng (cấp đô thị, cấp khu ở, cấp đơn vị ở) để chuyển thành các khu nhà ở phức hợp cao tầng (ưu tiên chức năng thương mại – dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở để hạn chế tăng dân số) kết hợp khu CVCX – TDTT tập trung.

Ngọc Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh tăng quy mô diện tích cây xanh