TP Hồ Chí Minh: Xử lý ô nhiễm tại các kênh nước đen

Nguyễn Xuân Dự|28/07/2017 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nước bị ô nhiễm chuyển thành màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối cùng nhiều rác thải, ruồi, muỗi, gián, chuột khiến đời sống của người dân ở khu vực xung quanh kênh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Rác thải sinh hoạt tràn ngập kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Thông tin trên TTXVN, theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 km kênh, rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, bao gồm 5 dòng kênh chính và hàng trăm kênh, rạch nhỏ trải khắp địa bàn. Với sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc nạo vét, xây dựng hệ thống cống và bờ kè kiên cố, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé từng bị ô nhiễm nghiêm trọng đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, hầu hết những kênh, rạch quy mô nhỏ có chức năng thoát nước thải trên địa bàn thành phố vẫn đang bị ô nhiễm nặng. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu do người dân sống hai bên bờ kênh, rạch thải xuống, còn có rất nhiều rác thải, nước thải công nghiệp do các cơ sở sản xuất nhỏ lén lút đổ xuống. Theo các chuyên gia môi trường, tổng khối lượng rác thải “lơ lửng” trong các kênh, rạch khoảng hơn 53.000 tấn.

Số liệu đo đạc cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) trên các kênh, rạch vô cùng thấp, chỉ số E.coli (chỉ số vi khuẩn lây bệnh đường ruột) vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Rác thải ứ đọng lâu ngày tạo điều kiện cho những khí độc hại từ những chất thải khó phân hủy thành mùi hôi thối như H2S, NH3 và khí biogas thoát ra gây mùi rất khó chịu.

Các loại khí này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống hai bên bờ sông, kênh rạch cũng như những người điều khiển phương tiện đường thủy di chuyển qua khu vực này. Rác ứ đọng còn làm giảm khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực, gây tình trạng ngập nước khi có triều cường và mưa lớn ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và đời sống người dân.

Trước tình trạng ô nhiễm này, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai dự án đầu tư cải tạo tuyến kênh Ba Bò từ năm 2007. Đến nay, các hạng mục như nạo vét lòng kênh, xây kè, đường giao thông đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hạng mục chính là hồ điều tiết, hồ sinh học để xử lý nước thải vẫn đang trong quá trình được triển khai với tiến độ thực hiện vô cùng chậm, cùng với mức độ xả thải công nghiệp, xả thải sinh hoạt ngày càng gia tăng khiến dòng kênh Ba Bò ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn trước.

Về tình trạng ô nhiễm tại rạch Xuyên Tâm, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Theo đó, rạch được cải tạo theo hướng để hở toàn tuyến và mở rộng đường ven hai bên rạch lên 4 – 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dự tính khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ dự án được khởi công, người dân nơi đây vẫn phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm và đối mặt với nhiều bệnh tật do ô nhiễm gây ra.

Dòng kênh Gia Định qua nhiều lần nạo vét, vẫn ô nhiễm nặng

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của kênh Gia Định thuộc địa bàn phường Trung Mỹ Tây, quận 12, ông Mai Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây, quận 12, cho biết: Phường đã nhiều lần tổ chức cho các lực lượng phối hợp cùng người dân vớt rác, nạo vét kênh, cắm các biển cấm vứt rác dọc kênh và tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện do người dân vẫn xả rác, nhiều hộ dân giết mổ chó thịt, gia cầm vẫn xả chất thải trực tiếp ra kênh, thậm chí có ngày lực lượng chức năng bắt được cả tấn chó thịt giết mổ trái phép tại khu vực.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết: Tình trạng ô nhiễm kênh, rạch thoát nước thải bắt nguồn từ rác thải, nước thải của người dân, của các chợ cũng như nước xả thải của doanh nghiệp. Vì vậy, Sở đang kêu gọi, tuyên truyền người dân không xả rác, cắm các biển cấm xả rác và khuyến khích người dân cùng chính quyền thu gom, dọn dẹp rác trên kênh, rạch.

Sở thường xuyên phối hợp với các quận, huyện tiến hành vớt rác, nạo vét kênh, rạch. Các doanh nghiệp khi xin phép thành lập phải có hệ thống xử lý nước thải. Sở sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng xả thải ra kênh, rạch. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang có kế hoạch xây dựng 12 lưu vực thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các kênh, rạch.

Nguyễn Xuân Dự

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Xử lý ô nhiễm tại các kênh nước đen