Trời vẫn mưa, người dân miền Trung tiếp tục sống chung với lũ

26/11/2017 03:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong ngày 25/11, các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi tiếp tục có mưa diện rộng. Lũ rút chậm, mực nước tại các hồ chứa đã lên mức báo động 2, 3. Nhiều hồ chứa đã đầy nên xả tràn gây “lũ kép”, chia cắt nhiều vùng dân cư.

Trời vẫn mưa, người dân miền Trung tiếp tục sống chung với lũ

Hồ chứa vượt tải

Ngày 25/11, ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định xác nhận, trong ngày 23 và 24/11, trên địa bàn có 7 hồ chứa đã đầy, nên đồng loạt xả tràn tự do để đón lũ mới. “Toàn tỉnh Bình Định, có khoảng trên 160 hồ chứa nước, các hồ nhỏ khả năng điều tiết nước kém nên không tích được lượng nước nhiều. Hiện tại, hầu hết các hồ đều đã tích đầy nước. Đặc biệt, có khoảng 60 hồ cơ bản đã đầy có nguy cơ vượt mức tràn tự do”.

Từ ngày 22 đến 25/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa trung bình từ 200 – 300mm. Mưa lớn kéo dài làm đa số các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã quá tải. Dù Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo vận hành điều tiết 2 hồ chứa thủy điện Đakđrinh và hồ chứa Nước Trong phải giảm dung tích hồ chứa để đón lũ, giảm lũ cho hạ du. Nhưng trong các ngày 23 và 24/11 các hồ chứa vẫn không ngừng xả lũ, tạo lũ kép nhấn chìm nhiều tuyến giao thông tại huyện Sơn Hà. Đặc biệt, lưu lượng xả lũ lớn đã liên tục nhấn chìm cầu Sông Rin (thị trấn Di Lăng, cầu giao thông nối liền 2 huyện Sơn Hà – Sơn Tây) gây chia cắt giao thông tại 2 huyện này.

Từ trưa 24/11 đến sáng ngày 25/11, các hồ chứa, đập thủy điện ở Phú Yên liên tục tăng lưu lượng xã lũ từ 2.354m3 (13 giờ, ngày 24/11) lên đến 2.754m3. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, có 44 hồ chứa, hầu hết là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước, hiện đang chảy tự do qua tràn.

Ngày 25/11, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, có 13 hồ chứa thủy điện thuộc hệ thống liên hồ chứa tại miền Trung và Tây Nguyên đang phải xả tràn, bao gồm: A Lưới, Hương Điền, Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Ka Nak, An Khê, Krong H’năng, Sông Hinh, Sông Tranh 2, Đak Mi 4A, Đak Đrinh, Vĩnh Sơn 5.

Còn theo Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), các hồ chứa thủy lợi từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đang đạt bình quân 80%-90% dung tích thiết kế. Hai hồ có cửa van tại Quảng Trị đang vận hành xả lũ là Kinh Môn và Hà Thượng. Hồ Tả Trạch tại Thừa Thiên – Huế đang điều tiết, vận hành xả qua phát điện 40m3/giây. Khu vực Nam Trung bộ có 5 hồ chứa có cửa van đang xả tràn là Phú Ninh, Việt An, Vĩnh Trinh (Quảng Nam), hồ Nước Trong (Quảng Ngãi), hồ Định Bình (Bình Định) cũng đang xả ở mức cao.

Trước tình hình mưa lũ vẫn đang tiếp diễn, hiện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đang phối hợp với các đơn vị tư vấn tính toán kịch bản xả lũ các liên hồ chứa, trong đó đặc biệt bám sát diễn biến thực tế đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn và gửi kết quả đến ban chỉ huy các tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam để chỉ đạo vận hành hồ chứa.

Ngập nặng, chưa thể khắc phục

Ngày 25/11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bình Định cho biết, tỉnh lộ 640 vẫn còn ngập ở các điểm tràn, chia cắt trung tâm huyện Tuy Phước với các xã khu Đông như Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thuận… Các địa phương phải sử dụng ghe thuyền, xe tải để chốt trực ở các điểm lụt đưa đón người dân qua lại tại các điểm đường bị ngập, chia cắt.

Trưa cùng ngày, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết: “Lũ khiến nhiều tuyến đường, công trình trọng điểm bị đổ gãy, sạt lở nặng. Đặc biệt, tại cầu An Liên bị gãy 4 nhịp và vụ sạt lở núi chia cắt 37 hộ dân là người đồng bào dân tộc Hre (ở thôn, xã An Nghĩa). Nhiều địa phương tại xã An Nghĩa chìm trong lũ.

Tại huyện Đồng Xuân, nước suối dâng cao làm ngập cầu Cây Sung nằm trên tuyến đường ĐT642, đoạn qua xã Xuân Sơn Bắc, nước ngập trên 2m, cắt đứt tuyến đường từ xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) xuống xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu).

Với phương châm “lũ rút đến đâu thì dọn dẹp, khắc phục đến đó”. Hiện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương, khẩn trương hỗ trợ người dân dọn lũ, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, mưa lũ trong tháng 11/2017 đã cuốn trôi một phần tuyến đường ống bắc qua sông. Toàn bộ hệ thống ống dẫn nước từ đầu nguồn cũng bị vùi lấp hoàn toàn. Hiện có 300 hộ dân ở thị trấn miền núi Trà Xuân đang phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Mai Đình Cương, Bí thư đoàn xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, cho biết, mưa lũ trong những ngày qua, đã cô lập các thôn của người đồng bào H’re. Hiện lũ rút rất chậm, vẫn còn 2 thôn Xà Nay và Xà Riềng, nằm bên kia sông Trà Khúc vẫn còn bị chia cắt. Lực lượng đoàn xã, thanh niên, đội xung kích đã trực đưa đò để vận chuyển hàng hóa cho bà con ổn định sống tạm, chờ lũ rút”.

Ngày 25/11, Ngân hàng Chính sách – xã hội Việt Nam đã đến thăm và trao 500 triệu đồng ủng hộ cho UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên – Huế để kịp thời hỗ trợ người dân tỉnh này khắc phục hậu quả lũ chồng lũ. Ông Lê Ngọc Bảo, Trưởng ban Kiểm soát Hội đồng quản trị, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, cho biết sẽ thống kê thiệt hại và tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh vùng miền Trung, trong đó có Thừa Thiên – Huế tiến hành xử lý rủi ro các khoản vay kịp thời để giúp người dân ổn định sản xuất lâu dài.

Tính đến ngày 25/11, mưa lũ tái diễn ở Trung bộ và Tây Nguyên đã làm 3 người chết thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế và 2 người bị mất tích (Quảng Ngãi 1 người; Phú Yên 1 người). Nước lũ các sông cũng đang lên cao làm ngập 2.076 ngôi nhà (chiếm phần lớn là tại Thừa Thiên – Huế).

Theo SGGP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trời vẫn mưa, người dân miền Trung tiếp tục sống chung với lũ